MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiền quyết định bao nhiêu đến hạnh phúc?

Chi Trần LDO | 17/03/2023 12:00

hạnh phúc và tiền bạc có mối liên hệ chặt chẽ, nhưng không thể khẳng định rằng, tiền mua được hạnh phúc. 

Tiền có mua được hạnh phúc không? Chắc chắn là không, nhưng tiền có thể giúp bạn hạnh phúc dễ hơn tùy vào cách chi tiêu.

Hạnh phúc là gì?

Hạnh phúc là một cảm xúc phức tạp bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố liên quan đến nhau, bao gồm công việc, sức khỏe, các mối quan hệ, yếu tố gây căng thẳng, giáo dục, tính cách, triết lý sống...

Vì một số yếu tố này có thể thay đổi hàng ngày nên các nhà nghiên cứu đã chia ra 2 loại hạnh phúc. Đầu tiên là trải nghiệm hạnh phúc (cảm giác của bạn ở thời điểm hiện tại hoặc gần đây), và thứ hai là sự hài lòng trong cuộc sống (cảm giác của bạn về cuộc sống nói chung). 

Năm 2022, Matthew Killingsworth - một nhà tâm lý học cao cấp tại Đại học Pennsylvania - đã thực hiện nghiên cứu trên 33.000 người Mỹ tuổi từ 18-65. Kết quả cho thấy, những người có thu nhập cao “có mối liên hệ chặt chẽ” với mức độ hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống nhiều hơn.

Dữ liệu cũng cho thấy, hạnh phúc tăng lên cùng với thu nhập.

Tuy nhiên, theo những gì hai nhà nghiên cứu Daniel Kahneman (nhà tâm lý từng đoạt giải Nobel) và Angus Deaton từng công bố vào năm 2010, tiền chỉ ảnh hưởng nhiều đến cách mọi người trải nghiệm cuộc sống hàng ngày.

Nghĩa là nếu bạn khỏe mạnh, sống trong một khu phố an toàn và tận hưởng một cuộc sống năng động, thì số tiền trong tài khoản không ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc hàng ngày của bạn. Bạn có thể sẽ gặp phải những khó khăn và có những ngày tồi tệ, nhưng vấn đề tài chính không làm căng thẳng thêm những khó khăn đó.

Nói cách khác, thu nhập không còn là yếu tố hạn chế hạnh phúc hàng ngày của bạn nếu bạn có tiền đủ để sống thoải mái.

Song, không thể phủ nhận khi thu nhập tăng sẽ giúp cuộc sống của bạn thay đổi theo hướng tốt hơn. Nó mở ra cho bạn những cơ hội, chẳng hạn như du học ở nước ngoài hoặc xin nghỉ công việc mà bạn thấy không phù hợp. Tiền cũng giúp củng cố nhiều yếu tố khác có liên quan đến hạnh phúc (chẳng hạn như trình độ học vấn, các mối quan hệ tình cảm, hôn nhân và khả năng điều tiết cảm xúc).

Nếu không đánh đồng tiền với các giá trị khác, thì chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc ở những thứ mà tiền không thể mua được. Ảnh minh hoạ: Xinhua.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa tiền và hạnh phúc

Vậy sự khác nhau giữa nghiên cứu của Kahneman và Deaton với Killingsworth nằm ở đâu? 

Đối với Kahneman và Deaton, họ đánh giá trải nghiệm hạnh phúc bằng cách hỏi về cảm xúc của mọi người ngày hôm qua. Còn Killingsworth hỏi về cảm giác của mọi người ngay lúc họ trả lời.

Killingsworth giải thích rõ hơn với CNBC: “Trí nhớ của con người không hoàn hảo. Một trong những lợi thế của nghiên cứu này là tôi sử dụng phép đo thuần túy. Tôi hỏi hiện tại họ cảm thấy thế nào? Mọi người có thể trả lời khá dễ dàng, nhưng nếu bạn hỏi hôm qua hoặc tháng qua họ cảm thấy thế nào thì khó hơn. Não họ sẽ có sự tính toán phức tạp hơn nhiều".

Trong khi đó, sự hài lòng về cuộc sống nói chung có thể ổn định hơn vì nó không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi thất thường hàng ngày.

Điều quan trọng nhất là, cả hai nghiên cứu đều cho thấy, mối tương quan chặt chẽ giữa hạnh phúc và tiền bạc, nhưng cả hai nghiên cứu đều không thể xác định rằng tiền mua được hạnh phúc. 

Tiền là một phương tiện trao đổi, nó chỉ đại diện cho những đồ vật, dịch vụ và trải nghiệm mà ta mua được. Vì vậy, vấn đề không phải bạn có bao nhiêu tiền, mà là bạn sử dụng tiền như thế nào.

Nếu tiêu tiền vào những vật dụng, trải nghiệm và nhu cầu cần thiết, thì tiền sẽ khiến cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn. Nếu không, thói quen chi tiêu cũng có thể hủy hoại hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống của bạn.

Những người có nhiều tiền hạnh phúc hơn không phải là nhờ những con số dài dằng dặc trong tài khoản, mà là nhờ cách họ sử dụng tiền của mình để tạo ra hạnh phúc.

Mọi người có xu hướng nghĩ về tiền như một cách để mua mọi thứ, nhưng niềm vui mà tiền mang lại cũng có thời hạn. Ví dụ, bạn ao ước có được chiếc ghế sofa đó, nhưng vài tháng sau, nó cũng chỉ là một thứ để ngồi lên.

Niềm hạnh phúc đôi khi đến rất đơn giản, tùy thuộc vào cách tiếp cận của bạn. Dù là những tương tác bình thường với mọi người cũng sẽ khiến bạn vui hơn là nhốt mình trong phòng. Hoặc việc mời những người bạn thân đi ăn trưa, mua quà cho các thành viên trong gia đình cũng có thể khiến bạn hạnh phúc.

Những gì bạn cho đi mới làm vòng xoay hạnh phúc chuyển động. Cách bạn biết ơn và tận hưởng những điều kiện mình có mới có thể giúp bạn duy trì hạnh phúc của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn