MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trần Lê Khả Ái tốt nghiệp đại học và có việc làm sau nhiều nỗ lực của bản thân và gia đình. Ảnh: Thuỷ Tiên

Tình cha mẹ và hành trình đặc biệt của cô gái câm điếc bẩm sinh

VIỆT HOÀNG LDO | 26/01/2023 08:36

Tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định - đó là giấc mơ không tưởng nhưng đã trở thành hiện thực bởi sự nỗ lực của Trần Lê Khả Ái và gia đình. Từ tình yêu thương của cha mẹ, một học sinh câm điếc bẩm sinh đã vượt qua hành trình dài đáng kinh ngạc từ phổ thông trung học cho đến đại học. Với những con người thiếu may mắn trong cuộc sống, những khiếm khuyết trên cơ thể không làm nhụt đi ý chí và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của họ.

Cha mẹ luôn ở bên

“Tôi thiết nghĩ, nếu trước kia tôi ngừng hy vọng và buông xuôi như bao gia đình khác thì con tôi sẽ câm điếc mất và không có được ngày hôm nay. Nhưng giờ này bé giao tiếp tốt cũng nhờ một phần nỗ lực không ngừng của bé. Mỗi đứa trẻ được hạ sinh trên thế gian đều là một thiên thần... Quan trọng nhất là cha mẹ phải luôn sát cánh cùng con” - đó là những dòng nhật ký mà ông Trần Khương (ngụ quận 12, TPHCM) đã ghi nhật ký cách đây 6 năm khi cô con gái câm điếc bẩm sinh bắt đầu vào đại học. Còn năm qua, cô con gái ấy đã trở thành tân cử nhân đại học và có việc làm chính thức.

Từ khi Khả Ái lên 2 tuổi, ông Khương phát hiện con mình bất thường, không nghe nói được gì cả. Đưa con đi khám tại bệnh viện, kết quả bé bị câm điếc bẩm sinh, mọi mong ước về tương lai gần như tan vỡ với vợ chồng trẻ.

Thế rồi, tia hy vọng đến khi tình cờ ông Khương đọc được thông tin về chương trình can thiệp sớm, hỗ trợ thiết bị trợ thính của nước ngoài dành cho Việt Nam. Ông bán xe máy, vay mượn đủ nơi để có 5 cây vàng mua máy trợ thính cho con. Như vậy, khi gần 30 tháng tuổi, bé Ái mới có thể nghe được những âm thanh đầu tiên trong cuộc đời, dù sự cảm nhận đó rất yếu ớt, thính lực chỉ được khoảng 30%. Từ đây, gia đình nhỏ bắt đầu hành trình miệt mài, thầm lặng mang đến âm thanh và giọng nói cho con gái bị câm điếc bẩm.

Dù nhà ở xa nhưng hằng ngày, ông Khương chở con bằng xe đạp đi 20km từ nhà đến Trung Tâm khuyết tật TPHCM (Quận 3) để học. Vợ chồng ông Khương, bà Loan học cách dạy từ các cô rồi chỉ bảo cho con ở nhà. Họ đã kiên nhẫn dạy cho con từng câu, từng chữ để bé quen được khẩu hình.

Cha mẹ luôn đồng hành cùng Ái trên mọi chặng đường. Ảnh: M.T

Khi bé Ái đến tuổi đi học, nhiều người khuyên đưa con đến học trường chuyên biệt nhưng ông nhất quyết không chịu. Ròng rã từ bậc mầm non, lên đến phổ thông rồi vào đại học là những tháng ngày ba mẹ cùng con tới lớp, cố gắng tiếp thu kiến thức để dạy lại con. Khả Ái là một trong rất ít học sinh khuyết tật không phải học trường chuyên biệt, không phải dùng ngôn ngữ ký hiệu khi giao tiếp. Tuy nhiên, khả năng nghe hạn chế qua máy trợ thính, phần nào khiến giao tiếp khó khăn, tiếp thu chậm.

Nắm tay con đi

Sau khi tốt nghiệp THPT, Khả Ái được trao học bổng vào học tại Trường Đại học Hoa Sen. Vào đại học, sợ con không đáp ứng được cường độ học tập, sinh hoạt ở môi trường mới, ông Khương nhiều lần xin gặp trực tiếp giáo viên hỏi thăm tình hình, nhờ cô in sẵn lịch học của cả học kỳ. Ngày 2 buổi, có khi 3 buổi, sáng học ở cơ sở này, chiều lại học ở cơ sở khác, dù mưa gió vất vả, ông bà cũng chở con đi.

Qua năm 2, cô sinh viên cũng xác định biết tự lo cho bản thân nên xin ba chiếc xe máy để tự đi học. Dù lo nhưng biết cản cũng không được, ông Khương đã dành cả tháng trời, ba vừa chở con đi học, vừa hướng dẫn con di chuyển trên đường, sau đó là cho con tự đi, ba chạy trước con chạy sau.

Tới thời điểm làm đồ án tốt nghiệp, cô nàng nhiều lần toan bỏ cuộc do gặp khó khăn. Ông Khương thuyết phục không được, đến nỗi hai ba con giận nhau cả tuần. Nhưng rồi, nhờ sự kiên trì động viên của cả gia đình, cuối cùng Khả Ái lại có thể tiếp tục hoàn thành đồ án còn dang dở.

Khả Ái nhận bằng tốt nghiệp đại học. Ảnh: Thuỷ Tiên

Trong buổi lễ tốt nghiệp đại học của con, vợ chồng ông đã bật khóc chia sẻ về sự nỗ lực của cô bé và sự đồng hành của gia đình.

“Dù con mình khiếm khuyết hay bình thường thì điều đó không quan trọng. Quan trọng nhất là cha mẹ phải luôn sát cánh cùng con. Tạo điều kiện cho con giao tiếp và hội nhập với thế giới xung quanh. Đừng vì những lời dèm pha mà đánh mất tương lai của con mình”, ông Trần Khương chia sẻ.

Hành trình học tập đầy kinh ngạc suốt hơn 20 năm vừa qua coi như khép lại và Trần Lê Khả Ái sẽ bắt đầu một hành trình mới. Cũng tại Trường Đại học Hoa Sen, Ái bắt đầu làm công việc thiết kế cho bộ phận truyền thông của Trung tâm trải nghiệm - Việc làm sinh viên.

Khả Ái làm việc tại Trường Đại học Hoa Sen. Ảnh: NTCC

5 năm trước, trong nhật ký của mình, ông Trần Khương viết: “Tôi muốn viết nữa để chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn đọc nhưng do con đường của con tôi chỉ mới đi đến đây. Tôi mong một ngày nào đó có thể cho các bạn đọc chương tiếp theo: đại học - và ước mơ giúp đỡ người khiếm khuyết...”. Nay ông Khương đã có thể bắt đầu viết chương mới cho nhật ký về hành trình của gia đình ông và Trần Lê Khả Ái.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn