MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trường hợp kỳ lạ của 2 chị em song sinh, thất lạc 44 năm

Chi Trần LDO | 24/05/2022 08:00

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ số IQ của các cặp song sinh chênh lệch không quá 7 điểm, nhưng trường hợp của cặp chị em sinh đôi Hàn Quốc lại chứng minh điều ngược lại.

Trí thông minh của con người được quyết định bởi gen hay từ môi trường giáo dục, gia đình, xã hội? Đó là một câu hỏi mà các nhà khoa học vẫn đang tìm lời giải đáp. Thông qua một số nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra chỉ số IQ của các cặp song sinh phần lớn giống hệt nhau. 

Cụ thể, chỉ số IQ được quyết định 80% bởi gen di truyền và các cặp song sinh thường có chỉ số IQ chênh lệch nhau không quá 7 điểm. Nhưng có một vấn đề, các nghiên cứu nói trên đều dựa trên những cặp song sinh được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục và văn hóa tương đồng. 

Mãi đến năm 2021 mới xuất hiện một trường hợp song sinh độc nhất vô nhị có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu về trường hợp ngoại lệ của chỉ số IQ dựa trên môi trường sống, giáo dục.

Đó là câu chuyện của hai chị em song sinh Yoon Sang-hee và Yoon Sang-ae lớn lên ở hai nền văn hóa rất khác nhau. Họ vốn sinh ra ở Hàn Quốc, nhưng lạc nhau vào năm 1976. Khi đó, cả hai vừa tròn 3 tuổi.

Hai chị em sinh đôi họ Yoon khi còn nhỏ. Ảnh: ST.

Mở ra cơ hội nghiên cứu duy nhất

Bi kịch bắt đầu vào một buổi sáng năm 1976, khi một trong hai chị em người Hàn Quốc bị lạc khi đi chợ với bà ngoại. Có người nhìn thấy một đứa trẻ (là Yoon Sang-ae) bơ vơ ở chợ đã đưa về nhà.

Dù nỗ lực tìm kiếm, gia đình đã không có được thông tin nào của Yoon Sang-ae. Người mẹ đáng thương đã mở một gian hàng trong khu chợ nơi con gái mất tích, hy vọng một ngày tìm được con. 

Nhưng gia đình không biết rằng Yoon Sang-ae đã được đưa vào trại trẻ mồ côi và sau đó được một cặp vợ chồng ngoại quốc nhận làm con nuôi. Họ đưa đứa trẻ này về Mỹ, còn người chị sinh đôi (Yoon Sang-hee) vẫn sinh sống ở Hàn Quốc cùng gia đình.

Mãi đến năm 2020, trong một chương trình tìm kiếm người thân mất tích, cặp song sinh thất lạc mới tìm được nhau. Các nhà khoa học phát hiện ra chương trình này, và họ ngay lập tức chớp lấy cơ hội để thực hiện một nghiên cứu "ngàn năm có một".

Yoon Sang-hee (giữa), chị gái song sinh của Yoon Sang-ae cầm bức ảnh thời nhỏ khi đoàn tụ với em gái qua cuộc gọi video. Ảnh: Yonhap.

Yoon Sang-ae biết mình là đứa trẻ mồ côi, gốc Hàn nhưng không còn ký ức gì về gia đình cũ. Năm 2016, cô đã đăng ký thông tin ADN của mình để tìm kiếm gia đình khi về thăm Hàn Quốc. Mẹ ruột của cô cũng đăng ký ADN của mình vào năm 2017 để tìm con gái.

Dịch vụ Pháp y Quốc gia phát hiện hai người có quan hệ huyết thống. Nhờ đó, gia đình được đoàn tụ sau 44 năm xa cách.

Giáo sư Nancy L. Segal, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Song sinh tại Đại học Bang California ở Fullerton, khẳng định: "Trường hợp này độc nhất ở chỗ cặp song sinh được lớn lên trong hai nền tảng văn hóa rất khác nhau".

Hai đứa trẻ lớn lên như thế nào?

Trong cuộc nghiên cứu, cặp song sinh người Hàn Quốc đã hoàn thành các cuộc phỏng vấn về môi trường, gia đình, tiền sử bệnh tật, bài kiểm tra IQ và bài kiểm tra khả năng suy luận.

Thông qua các cuộc khảo sát này, các nhà khoa học đánh giá sâu hơn về đặc điểm tính cách, quan điểm về chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tập thể, lòng tự trọng, sức khỏe tinh thần, sự hài lòng trong công việc và cuộc sống của họ. 

Kết quả cho thấy, đứa trẻ ở lại Hàn Quốc được nuôi dưỡng trong không khí gia đình ấm áp và gắn kết hơn. Ngược lại, đứa trẻ được cặp vợ chồng người Mỹ nhận nuôi sống trong một môi trường tôn giáo nghiêm khắc và có xung đột gia đình cao hơn.

Cha mẹ nuôi của cô đã ly hôn và cô đã phải trải qua 3 sự kiện đau đớn trong cuộc đời. Chính những sự kiện đã khiến Sang-ae trở thành một con người khác.

Nhưng bên cạnh đó, DNA của cặp song sinh là giống hệt nhau. Dù môi trường sống khác nhau nhưng họ có những điểm tương đồng khá rõ ràng về tính cách, lòng tự trọng và sức khỏe tâm thần.

Tiền sử bệnh tật của cặp song sinh cũng khá giống nhau. Họ cũng có mức độ hài lòng về công việc và cuộc sống tương đương, mặc dù công việc của họ khác nhau, một người là đầu bếp, người kia là nhân viên chính phủ.

Sang-hee (trái) và Sang-ae (phải) rất giống nhau.

Chênh lệch về điểm IQ của cặp song sinh này lên tới 16 điểm, một mức rất cao so với con số khoảng 7 điểm mà các nghiên cứu đưa ra trước đó. Để phù hợp với môi trường văn hóa, đứa trẻ lớn lên ở Mỹ cũng đề cao giá trị cá nhân hơn, trong khi đứa trẻ lớn lên ở Hàn Quốc đặt giá trị tập thể cao hơn. 

Cuộc đoàn tụ đầy nước mắt và xúc động là điều kỳ diệu đối với gia đình ruột thịt của Sang-ae, những người đã tìm kiếm cô trong suốt 44 năm.

Sang-ae, hiện đang sinh sống ở Mỹ, cho biết cô sẽ đến Hàn Quốc sau đại dịch COVID-19 để gặp trực tiếp gia đình. 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn