MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghèo có nên sinh con?. Ảnh: Xinhua.

Từ phát ngôn tranh cãi của MC Đức Bảo: Nghèo có nên sinh con?

Anh Trang LDO | 15/01/2024 15:27

"Nghèo có nên sinh con?" là câu hỏi đưa đến rất nhiều câu trả lời, tạo nên bình luận đa chiều sau chia sẻ gây tranh cãi của MC Đức Bảo.

Nghèo có nên sinh con?

Mới đây, MC Đức Bảo có bài chia sẻ thanh minh về câu nói "sinh con ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn. Vậy không sinh con cũng chính là một loại lương thiện".

Từ câu nói này, nhiều người đặt ra câu hỏi "nghèo có nên sinh con?".

Trao đổi với phóng viên Lao Động, chị Mai Phương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Theo tôi, chúng ta cần cân nhắc về điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con trước sinh hoặc trước khi có kế hoạch sinh con.

Tùy hoàn cảnh từng gia đình mà có điều kiện chăm sóc con như thế nào nữa. Ngoài hoàn cảnh còn phải phụ thuộc vào mong muốn của gia đình thì mới biết tốn kém hay không".

Theo chị Mai Phương, "nuôi lớn một em bé chỉ để nó sống, tồn tại qua ngày sẽ khác với đầu tư cho một đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh, có điều kiện học hành, biết ước mơ hoài bão, có chất lượng sống đủ đầy, tiện nghi".

Chị Alice Nguyễn. Ảnh: Facebook nhân vật.

Chị Alice Nguyễn (Việt kiều Đức) đồng quan điểm với chị Mai Phương: "Tôi muốn con có điều kiện sống tốt nhất. Tôi không làm để dành của cải cho con mà sẽ bày cho con cách làm. Tuy nhiên, để đến được giai đoạn đó, thì khi còn nhỏ, mình phải có điều kiện sống tốt cho con.

Nên khi sinh con cần suy nghĩ mình có đủ khả năng cho con cuộc sống đủ đầy không, rồi mới sinh".

Anh Hải Minh (quận Gò Vấp, TP HCM) đưa quan điểm: "Một đứa trẻ ra đời đâu có phụ thuộc vào việc bạn giàu hay nghèo. Nó là duyên cả. Nghèo mà lỡ có bầu, có con cũng phải nuôi thôi, quan trọng cách ba mẹ nuôi dạy con.

Người ta nghèo hôm nay, giàu ngày mai đâu biết được. Khi sinh con ra, đó cũng là động lực để bố mẹ cố gắng lo cuộc sống tốt hơn".

Ngoài những ý kiến trên, trên các diễn đàn, nhiều người đưa ra quan điểm về việc "nghèo có nên sinh con?": "Nhà nghèo đi học khổ đủ đường", "trời sinh voi, sinh cỏ", "nhiều người tài sinh ra trong gia đình nghèo khó", "nghèo chỉ là cái cớ cổ súy cho việc lười sinh con của nhiều cặp vợ chồng, dẫn đến dân số bị già hóa"...

Ngoài MC Đức Bảo, trước đó, danh ca Tuấn Ngọc cũng có quan điểm: "Không có con thì sẽ tốt hơn".

Pháp luật nghiêm cấm hành vi bỏ rơi con

Từ lời chia sẻ của MC Đức Bảo, bên cạnh những ý kiến phủ nhận thì nhiều người đồng tình với quan điểm của anh.

Theo MC Đức Bảo, về nội dung này, anh nghĩ đó như một lời nhắc về trách nhiệm của người làm cha làm mẹ, hãy mang con đến thế giới này khi đã suy nghĩ thấu đáo và có sự chuẩn bị tốt nhất trong khả năng có thể.

Cũng chính vì có quá nhiều đứa trẻ khi sinh ra bị bỏ rơi hoặc chưa kịp chào đời đã bị tước đi sinh mệnh nên quan điểm của MC Đức Bảo được nhiều người ủng hộ.

Trước những tranh cãi này, nhiều người cho rằng, cần "thực hiện nghiêm túc xử phạt những người cố tình bỏ rơi con cái"

Trao đổi với Báo Lao Động, chị Mai Phương có góc nhìn cho rằng: "Khi sinh con có trách nhiệm, có sự chuẩn bị kỹ càng, sẽ giảm thiểu được những hoàn cảnh bất hạnh, trẻ bị bỏ rơi, mồ côi hay lớn lên trong đau khổ, thiếu thốn cả vật chất lẫn tình yêu thương".

Điều 6 Luật Trẻ em 2016 quy định các hành vi "Tước đoạt quyền sống của trẻ em" và "Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em" là các hành vi bị nghiêm cấm.

Cụ thể Điều 21 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em như sau:

1. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.

b) Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn