MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tuổi xế chiều và những nhọc nhằn mưu sinh trên góc phố Hà Nội

Huỳnh Đức - Đăng Huy LDO | 01/10/2019 18:32
Ở cái tuổi xế chiều, khi đáng lẽ là thời điểm để nghỉ ngơi và an dưỡng, thì ở những góc phố, người già vẫn thầm lặng mưu sinh...  Phóng viên Lao Động ghi lại những câu chuyện về họ trong Ngày Quốc tế người cao tuổi (1.10).

3 giờ sáng tại chợ hoa Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội, ngoài các anh, các chị, các cô chú, còn có những cụ già bên gánh hàng hoa. Ở tuổi gần đất xa trời, với những người cao tuổi ở phiên chợ sớm này, hoa là nguồn sinh nhai duy nhất.

Dù có mệt mỏi, họ vẫn phải bán cho bằng hết, cho được dăm ba tiền lời. Các cụ có nghỉ ngơi, nhưng là cái chợp mắt năm mười phút ở tư thế ngồi hay đứng thẳng, khó lắm mới cho phép mình nằm đặt lưng.

bà Thìn, một tiểu thương đã ngoài 70 tuổi ở chợ hoa Quảng Bá tranh thủ chợp mắt bên gánh hàng hoa. 

“Mùa khô hanh đến rồi, thời tiết thất thường, cũng mệt lắm nhưng phải cố, cu Thóc còn ở nhà ngủ một mình kia kìa. Tội nó lắm!”-  bà Thìn, một tiểu thương đã ngoài 70 tuổi ở chợ hoa Quảng Bá, người mẹ đã mất cả con gái và con rể trong một tai nạn giao thông - chia sẻ.

Cu Thóc là đứa cháu lên 5 của bà. Khi bố mẹ Thóc qua đời, một tay bà chăm sóc, nuôi nấng cháu.

Nhìn nét mặt tròn phúc hậu, không ai nghĩ bà phải gồng gánh trên vai, không chỉ là những bông hoa đủ sắc, mà còn những nhọc nhằn của một kiếp người.

“Giờ bà chỉ mong cu Thóc mau lớn, học hành giỏi giang mà lo cho bà nó” - giấu nỗi buồn sâu trong ánh mắt, bà Thìn nghĩ về đứa cháu, về tương lai để có động lực mưu sinh.

Ông Tiến đã có "thâm niên" làm bốc vác tại chợ hoa Quảng Bá. 

Cách chỗ bà Thìn không xa là ông Tiến đang chậm chạp bê từng bó hoa cúc vàng từ xe tải, lên xe máy thồ. Sức của người ngoài 60 cũng khó mà nhanh nhẹn.

“Thú thật là không ai muốn thuê lão Tiến đâu, nhưng tội lão quá, con cái không có, một thân một mình bốc vác bao năm ở chợ này” – một tiểu thương nói với chúng tôi.

Từ Tây Hồ, chúng tôi vòng ngược lên Hoàn Kiếm, rẽ vào ngõ nhỏ Bảo Khánh vào lúc 5 giờ sáng ngày 1.10. Nhịp sống ở đây đã bắt đầu, khởi động là những dòng người đạp xe theo đoàn dài ven hồ Hoàn Kiếm, bóng đen lướt qua đèn điện vàng, đổ thẳng vào gánh hàng hoa quả tươi bên vỉa hè.

Chợ cóc ở đây đã có hàng chục năm, cũng bằng số thời gian bà Hoà bán hàng tại đây. Nhìn nét mặt và dáng người nhanh nhẹn, ít ai biết rằng bà Hoà đã 68 tuổi. Ngày nào cũng như ngày nào, 4 giờ sáng thồ hàng từ Ngọc Lâm – Long Biên sang Bảo Khánh, Hoàn Kiếm, bà bán đến 7 giờ sáng. Còn hàng thì về Ngọc Lâm bán tiếp, hết hàng thì may. Nhưng một tháng thì chỉ gặp được dăm ba lần may mắn như thế.

 

“Tôi ở cùng các con, nhưng chúng nó cũng là thợ hồ cả, mình còn sức lao động thì cứ đi, đỡ được bao nhiêu thì đỡ, ở với chúng nó, có chúng nó lúc đau ốm là may rồi” - bà Hòa nói.

Và khi bình minh lên, rõ ràng hơn nữa những phận đời mưu sinh khi tóc đã gần như bạc hết.

Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, hay chỉ đơn giản là muốn tự lo cho mình, không muốn phiền tới ai. Nhưng khi phải tất tả mưu sinh ở tuổi đã xế chiều thì chẳng có một niềm vui trọn vẹn nào cả.

Trên mỗi góc phố Hà Nội, có thể dễ dàng bắt gặp những cảnh người già tất tả mưu sinh.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn