MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những đôi giày của các nạn nhân bị xâm hại tình dục được xếp trên đường phố trước Tòa nhà Quốc hội ở Jakarta, Indonesia vào năm 2020. Ảnh: Xinhua.

"Về quấy rối tình dục, nhiều người Việt vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm"

Trần Phương Chi (thực hiện) LDO | 22/05/2023 08:12

Nhiều người trong chúng ta vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của quấy rối tình dục.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa kết thúc SEA Games 32 với tấm huy chương vàng. Tuy nhiên, bên cạnh những lời chúc mừng cũng xuất hiện những bình luận cợt nhả, khiếm nhã về hình thể của các nhà đương kim vô địch bóng đá nữ SEA games.

Việc cợt nhả thô tục, gợi nhắc dục tính đang diễn ra thản nhiên như "chuyện thường ngày ở huyện" khắp các văn phòng, công sở và nhiều môi trường khác nhau.

Báo Lao động đã có một buổi trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Phương Mai - chuyên gia về Quản Trị Đa Văn Hóa và Khoa Học Não Bộ Ứng Dụng về câu chuyện này.

 PGS.TS Nguyễn Phương Mai. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Không chỉ tuyển bóng đá nữ Việt Nam mà rất nhiều phụ nữ cũng phải đối mặt với việc bị quấy rối tình dục. Rất nhiều phụ nữ như tôi, như chị, đã từng phải nghe những lời bình luận khiếm nhã về hình thể của mình. Chị nghĩ sao về điều này?

Quấy rối tình dục ở Việt Nam là một vấn nạn. Theo nghiên cứu của Action Aid, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam từng bị quấy rối, từ lời nói khiếm nhã cho đến hiếp dâm là 87%.

Con số này cao hơn Ấn Độ (79%), Campuchia (77%) và Bangladesh (57%).

Đó là còn chưa kể rất nhiều trường hợp các bé trai và đàn ông cũng bị quấy rối nhưng do định kiến xã hội mà không thể chia sẻ và bộc lộ.

Với những con số biết nói như thế, việc bị quấy rối tình dục đã là chuyện không của riêng ai. Có thể xin hỏi, bản thân chị đã từng trải qua, hay đã từng chứng kiến những chuyện quấy rối như thế xảy ra với bạn bè, người thân xung quanh mình? Suy nghĩ lúc ấy của chị là gì?

Như phần lớn phụ nữ Việt Nam khác, tôi cũng là một nạn nhân của quấy rối tình dục, thậm chí từ khi mới học lớp 3 bởi một ông hàng xóm có bằng cấp ngút trời. Ông ta giảng bài cho tôi rồi tiện thể sờ luôn vào người. 

Những bạn bè quanh tôi lớn lên cùng những lời chọc ghẹo “cho vui”, những cử chỉ sàm sỡ để tạo tình “thân mật”, những lời nhận xét hình thể vì “xinh mới khen”, những cái đuôi tán tỉnh bằng hành vi dâm dục bởi “em ngon đến mức anh không kìm nổi mình”. 

Điều quan trọng là khi đó, chúng tôi không hề biết như vậy là quấy rối. Ngược lại, văn hóa “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu” khiến có người thậm chí lầm tưởng đó là một thứ có quyền kiêu hãnh.

Chính vì thế, nhiều người cho rằng con số 87% thật ra còn cao hơn, bởi sẽ có những người bị quấy rối hoặc thậm chí xâm hại mà không hề biết mình là nạn nhân. Đó là còn chưa kể rất nhiều trường hợp các bé trai và đàn ông cũng bị quấy rối nhưng do định kiến xã hội mà khó có thể chia sẻ và bộc lộ.

Chỉ đến khi thực sự trưởng thành và được tiếp xúc với những tư tưởng văn minh hơn, tôi mới nhận ra mình đang bị vật hóa để phục vụ cho dục tính của kẻ khác.

Đó là khi tôi hiểu rằng pháp luật cho mình có quyền tồn tại với tư cách một con người chủ thể. Con người ấy biết vui buồn đau thương, và có quyền bộc lộ những cung bậc cảm xúc đó khi bị tác động bởi lời nói và hành động của kẻ khác.

Khi một kẻ xa lạ buông lời dung tục về hình thể của tôi, tôi có quyền cho anh ta/cô ta biết cơ thể tôi là bất khả xâm phạm. Cơ thể của tôi, của bạn không tồn tại để thỏa mãn những nhu cầu tốt xấu của họ. Khi tôi bị tổn thương, tôi có quyền gọi mặt chỉ tên và yêu cầu họ chịu trách nhiệm trước lương tâm và pháp luật.

Nhiều người đã và đang thản nhiên bông đùa, bình phẩm hình thể, nói những câu chuyện thô tục gợi nhắc về tình dục và coi đó là trò vui. Đâu là ranh giới để nhận biết quấy rối, theo chị?

Việc nhìn ai đó với con mắt dục tính là điều rất tự nhiên, không có gì sai trái hoặc đáng xấu hổ. Với bản chất của con người, nhục dục là điều rất bình thường. 

Tuy nhiên, nguyên tắc “đồng thuận” giúp ta phân biệt quấy rối/xâm hại. Hãy tự hỏi mình, liệu đối phương có muốn ta bộc lộ bày tỏ suy nghĩ nhục dục đó với họ không? Tiếp theo, nguyên tắc “bối cảnh” khiến ta cân nhắc liệu có nên thể hiện suy nghĩ nhục dục ấy trong không gian công cộng hay không? Nếu ta chưa rõ câu trả lời cho hai nguyên tắc trên thì nên cân nhắc giữ suy nghĩ ấy trong đầu. Đừng nói. 

Nguyên tắc đồng thuận rất quan trọng trong hành vi tình dục. Bởi sự đồng thuận phải liên tục được khẳng định và gia hạn thì mới có hiệu lực. 

Ví dụ, im lặng không có nghĩa là đồng ý. Đồng ý lên giường không có nghĩa là đồng ý quan hệ. Đồng ý quan hệ không có nghĩa là đồng ý quan hệ từ A đến Z. Bất kể lúc nào trong lúc quan hệ, một người cũng có quyền yêu cầu dừng lại, và đối phương phải tuyệt đối tôn trọng yêu cầu đó. Điều này áp dụng với tất cả mọi người, kể cả trong sinh hoạt vợ chồng. 

Tồi tệ hơn việc quấy rối tình dục bằng lời nói chính là những hình thức lạm dụng tình dục, hiếp dâm. Khi chuyện không may xảy ra thì phần lớn dư luận hay có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân, rằng họ hẳn đã ăn mặc hở hang hay có cử chỉ không chuẩn mực nên mới bị như vậy. Tại sao tâm lý này lại thao túng, dẫn dắt được đám đông, thưa chị?

Đây là tâm lý phổ biến của xã hội loài người, gọi là thiên kiến “Trời già có mắt” (just world bias). Ta mặc định là thế giới này bản chất là công bằng, gieo nhân nào gặt quả nấy, không ở kiếp này thì là kiếp trước. 

Thiên kiến đó có mặt tích cực là giúp ta vững vàng hơn trong cuộc sống vốn bất an, và khiến ta ý thức về trách nhiệm bản thân hơn.   

Tuy nhiên, mặt trái của thiên kiến này khiến ta thờ ơ với đồng loại. Việc đổ lỗi cho nạn nhân khiến ta trở thành một kẻ có quyền phán xét, gián tiếp khiến ta tăng giá trị bản thân. 

Tệ hơn, nếu ta chính là kẻ thủ ác, đổ lỗi cho nạn nhân giúp ta trốn chạy khỏi sai phạm của chính mình. Vì cô ta ăn mặc hở hang nên bị hiếp. Vì anh ta là đàn ông nên không thể bị quấy rối. Vì bà ta giàu nên bị cướp. Vì ông ta có tiền nên bị lợi dụng…vv. 

Phần lớn mọi người có tâm lí đổ lỗi cho nạn nhân khi có chuyện không may xảy ra. Ảnh minh họa: Xinhua.

Cũng có ý kiến cho rằng, sở dĩ vấn nạn quấy rối tình dục bằng những trò đùa, lời nói dung tục có thể tồn tại dai dẳng trong đời sống ở Việt Nam là do, hầu hết chúng ta đều dễ dãi, dễ thỏa hiệp, cho đó chỉ là trò vui. Tôi, và rất nhiều người, có thể vừa là nạn nhân bị trêu chọc ở nơi làm việc, nhưng ngay sau đó cũng có thể biến thành thủ phạm cùng hùa vào trêu chọc một nạn nhân khác, ở một đám đông khác. Chị có nghĩ như vậy?

Đúng là nhiều người trong chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Sự dịch chuyển từ “vô thức mắc lỗi” sang “ý thức sửa lỗi” là một quá trình. 

Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển nhận thức ấy cũng chính là điều khiến xã hội loài người phát triển tách biệt hẳn với các xã hội sinh vật khác. Nó vừa khẳng định sự tồn tại của chữ “con”, nhưng cũng tôn vinh sự khắc khoải và khốc liệt của những cuộc đấu tranh trong quá trình vượt qua cái dấu gạch ngang nối chữ “con” với chữ “người”.  

Theo chị, biện pháp nào có thể giúp giảm thiểu những hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói thô tục?

Quay trở lại hai nguyên tắc "đồng thuận" và "bối cảnh" tôi đã nêu ở trên, đó là một cách cụ thể mà mỗi chúng ta có thể cân nhắc để tránh vô tình trở thành một phần của vấn nạn. 

Tất cả những gì ta có thể làm là cố gắng phát triển tối đa tiềm năng chủ động của cá nhân, đồng thời đấu tranh cho một xã hội văn minh hơn ở phần thượng tầng. 

Trong câu chuyện về quấy rối tình dục, đó có thể là việc ta cần cải cách hệ thống luật ở Việt Nam, nơi quấy rối tình dục bằng lời nói và hành vi mới chỉ được xét đến ở Bộ Luật Lao Động năm 2019 một cách sơ sài, và cũng chỉ giới hạn tại nơi làm việc.

Quấy rối tình dục vẫn không bị coi là tội hình sự cho đến khi hành vi quấy rối trở thành dâm ô và hiếp dâm. 

Xây dựng một nhà nước pháp quyền chính là quá trình biến sự công tâm của một ông Trời (mà ta còn không biết có thật hay không) trong câu cửa miệng có phần vô tâm “Trời già có mắt”, thành sự công tâm của một xã hội văn minh mà trong đó con người là một chủ thể tích cực. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn