MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ý kiến về việc giáo viên không được gọi học sinh là con đang gây tranh cãi trong dư luận (ảnh minh họa).

Vì sao giáo viên không được gọi học sinh là “con”?

Hào Hoa LDO | 13/02/2022 07:11
Trước những tranh cãi, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nói rõ hơn về quan điểm, “trong những mối quan hệ xã hội như thầy cô giáo – học sinh, cần có cách xưng hô khách quan, trung tính”.

Hiện ý kiến về việc giáo viên không được gọi học sinh là con của ông đang gây tranh cãi trong dư luận, nhiều thầy cô phản ứng về quan điểm ông đưa ra. Ông có lường trước được “kịch bản” này?

- Tôi hoàn toàn lường trước được, nhưng tôi vẫn quyết định đề xuất và sẽ đưa lên Bộ Giáo dục. Tiếng Việt có một nhược điểm là, đại từ nhân xưng không phát triển, không định hình được những mối quan hệ cần sự trung lập. Những đại từ nhân xưng dùng trong các mối quan hệ gia đình đang bị lạm dụng, và rất phức tạp.

Những ngôi nhân xưng dùng cho các mối quan hệ gia đình không nên dùng cho các mối quan hệ xã hội. Và chúng ta nên hình thành cho trẻ ý thức này.

Nhiều ý kiến đang phản biện lại ông. Với các cấp mẫu giáo, tiểu học, vốn vẫn có câu hát “Lúc ở nhà, mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”. Theo các ý kiến phản biện, việc thầy cô gọi học sinh là “con” là thể hiện tình cảm, sự gần gũi, để học sinh yêu kính thầy cô, trường học và từ đó hình thành sự tích cực trong học tập. Ông nghĩ sao?

- Câu hát “Cô giáo như mẹ hiền” chỉ là phép tượng trưng, so sánh. Đừng lấy một câu hát để đồng hóa các mối quan hệ gia đình với các mối quan hệ xã hội.

Thầy cô giáo và học sinh là quan hệ xã hội, những mối quan hệ này cần một đại từ nhân xưng trung lập, rõ ràng, cụ thể.

Cách thầy cô giáo gọi học sinh là “con” có thể phản tác dụng khi không cho trẻ thấy được sự khác biệt của những mối quan hệ này.

Cần phải giáo dục cho trẻ ý thức để phân biệt và trở thành người của xã hội như thế nào. Trẻ cần được giáo dục từ nhỏ để quen với các hoạt động xã hội, hình thành tính cách khi trở thành người của xã hội.

Các ý kiến phản biện đều cho rằng, việc xưng hô không ảnh hưởng đến kết quả học tập, và rằng, điều quan trọng nhất khi đến trường là hiệu quả giáo dục. Việc để học sinh xưng “tôi” với giáo viên như ông đề xuất cũng có những mặt tiêu cực nhất định, khi xếp học sinh ngang hàng với giáo viên cũng để lại muôn vàn hệ lụy, ông có nghĩ như vậy?

- Cái gì cũng có hai mặt. Nhưng chúng ta cần nhìn vào mặt lớn hơn để quan tâm. Việc quy chuẩn cách dùng đại từ nhân xưng trong giáo dục là việc quan trọng, liên quan đến sự phát triển của tiếng Việt và cách dùng nhân xưng trong các mối quan hệ khác nhau như tôi đã nói ở trên.

Chúng ta đang thiếu một đại từ nhân xưng để có thể dùng trong mọi trường hợp vẫn thấy được sự trung tính. Vấn đề này từng được ông Phan Khôi đặt ra trong một cuốn sách nghiên cứu về ngôn ngữ ra mắt năm 1955. Trong cuốn sách này, ông Phan Khôi nhấn mạnh việc trong xã hội, người Việt đang thiếu ngôi đại từ.

Đơn cử trong tiếng Anh, ở ngôi thứ nhất, chỉ có “I” (tôi) để xưng hô với mọi mối quan hệ. Nếu xét trên góc nhìn của ông, thì cách xưng hô này cũng đang đồng hóa mọi mối quan hệ từ gia đình đến xã hội?

- Tiếng Anh rất trung tính. Với tiếng Việt, ở các mối quan hệ xã hội, chúng ta đang thiếu những ngôi nhân xưng trung tính, trung lập.

Tôi lấy ví dụ, trước đây chúng ta có từ “đồng chí”, nhưng từ này không thể dùng trong mọi trường hợp. Ở một số nước, họ có từ “công dân”. Khi quan chức nói chuyện, yêu cầu gì, có thể nói, “Công dân, mời anh ngồi”.

Ngôi nhân xưng của chúng ta rất nhiều, nhưng vẫn thiếu, nhất là với các mối quan hệ xã hội.

Không nên đưa những ngôn ngữ, nhân xưng trong gia đình vào hệ thống ngôn ngữ của các mối quan hệ xã hội.

Mới đây, một trường trung học khi đón học sinh trở lại có treo biển “Chào đón các con đến trường”, ngôn ngữ dùng thế này là không chính xác.

Tôi sẽ đề xuất lên Bộ Giáo dục và Đào tạo việc quy chuẩn cách xưng hô trong các cấp nhà trường. Ở cấp mẫu giáo, tiểu học, học sinh có thể xưng “con”, nhưng đến các cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học, học sinh nên xưng “em”, hoặc xưng “tôi” với giáo viên.

Nếu chuyện này gây tranh cãi và số đông không đứng về phía ông?

- Tôi hoàn toàn lường được những tranh cãi. Cũng có rất nhiều người đang đứng về phía tôi. Đã có phụ huynh viết cho tôi những dòng chia sẻ, đồng tình. Trên tất cả, điều này là cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn