Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Pittsburgh (Mỹ), những thanh thiếu niên nhận thức được những khó khăn tài chính của gia đình có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hành vi và sức khỏe tâm thần hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Nghiên cứu khảo sát hơn 100 thanh thiếu niên ở khu vực Pittsburgh và cha mẹ của các em về thu nhập gia đình, quan điểm của họ về những thách thức tài chính và kiểm tra tình trạng sức khỏe tâm thần.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng, hoàn cảnh kinh tế của nhiều gia đình biến động theo thời gian - họ khá giả về tiền bạc trong một số tháng và gặp khó khăn trong những tháng còn lại.
Thứ hai, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các thanh thiếu niên nhận thức được những khó khăn tài chính của gia đình thường có xu hướng lo lắng và cảm thấy chán nản.
Một số em gặp rắc rối ở trường học vì lo lắng về việc không có đủ tiền mua đồ dùng học tập hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa, mặc dù hành động và sự căng thẳng này là không cần thiết.
Một số em cảm thấy mặc cảm hoặc tự ti về hoàn cảnh tài chính của gia đình. Điều này có thể dẫn đến việc các em thu mình lại và tránh giao tiếp với các bạn đồng trang lứa.
Jamie Hanson - một chuyên gia tâm lý học nhận định: "Những phát hiện này rất quan trọng vì chúng cho thấy rằng khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.
Điều quan trọng là cha mẹ, giáo viên và nhà hoạch định chính sách phải nhận thức được những rủi ro này để có thể hỗ trợ thanh thiếu niên đang gặp khó khăn".
Phân tích kỹ hơn về cuộc nghiên cứu, một nghiên cứu sinh chia sẻ: "Vì tuổi vị thành niên là thời kỳ có những thay đổi lớn về mặt cảm xúc và nhận thức nên nhóm của chúng tôi tin rằng các nhà nghiên cứu nên tập trung vào quan điểm của những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những thách thức kinh tế".
Đồng thời, các nhà nghiên cứu cho rằng, công việc này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách công.
Nghiên cứu của Đại học Pittsburgh đã cung cấp bằng chứng mới về việc nhiều người nhận thấy thu nhập dao động lớn trong một năm. Loại bất ổn kinh tế này được cho là có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, đặc biệt khi các gia đình mất đi một lượng lớn thu nhập.
Để giảm bớt tác động của nghèo đói, các nhà hoạch định chính sách có thể cần suy nghĩ về khó khăn kinh tế một cách năng động hơn.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số lời khuyên cho các bậc làm cha mẹ, nếu như gia đình đang gặp khó khăn về tài chính.
Thứ nhất, cha mẹ nên cởi mở, trung thực nhưng tránh tỏ ra bi quan trước mặt con cái về tình hình tài chính của gia đình. Điều này sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về tình hình hiện tại và bớt lo lắng hơn.
Đồng thời, cha mẹ cũng nên khuyến khích con cái chia sẻ cảm xúc của mình về những khó khăn tài chính.
Từ phía cộng đồng, nhà trường nên cung cấp các chương trình hỗ trợ cho học sinh gặp khó khăn tài chính. Các chương trình này có thể bao gồm miễn phí hoặc giảm giá đồ ăn trưa, sách vở và các hoạt động ngoại khóa.
Chính phủ nên đưa ra các chính sách hỗ trợ gia đình có thu nhập thấp. Các chính sách này có thể bao gồm trợ cấp tiền mặt, trợ cấp nhà ở và hỗ trợ chăm sóc trẻ em.
Về những hướng đi tiếp theo của dự án, nhóm nghiên cứu muốn tiếp tục đặt tiếng nói của các thiếu niên lên hàng đầu và là trung tâm, từ đó đề xuất các giải pháp để tác động lên chính sách công và nâng cao tư tưởng cho cộng đồng dân cư.