MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhiều người thường đi xin chữ các ông đồ. Ảnh: Tạ Quang

Vì sao người Việt có tục lệ treo câu đối, dựng cây nêu ngày Tết?

Thùy Trang LDO | 08/02/2024 17:00

Người Việt có tục lệ treo câu đối đỏ trước nhà, dựng cây nêu để trừ tà, cầu may những ngày Tết đến.

Sắc xuân từ lâu được khắc họa bằng những điều bình dị, thân thuộc, gợi thương nhớ: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Ngày Tết, một cảnh sắc đặc biệt nông thôn Việt Nam xưa là trong sân mỗi nhà và trên sân đình, sân chùa làng đều trồng một cây tre để cả ngọn, hay gọi là cây nêu.

Sách "Lễ tục trong gia đình người Việt" giải nghĩa trong tích xưa, cây nêu là bằng chứng của cuộc giành giật đất đai giữa người và quỷ. Để khẳng định phạm vi, ranh giới đất đai, con người treo chiếc áo cà sa của Phật lên ngọn nêu. Bóng áo phủ tới đâu thì quỷ phải lùi tới đó. Áo cà sa treo lên, rộng kín mặt đất, nên quỷ phải lùi ra tận biển Đông.

Trên ngọn nêu thường treo túm lá dứa (để doạ ma quỷ), túm lông gà, lá thiên tuế, hoặc những chiếc khánh bằng đất nung, những con cá đất nung, cùng một tán tròn bằng tre, nứa dán giấy đỏ. Có nơi còn treo những chiếc đèn lồng, đèn xếp nhỏ hoặc xếp tiền mã. Ở mặt đất, cạnh cây nêu, người ta rắc vôi bột hình cung tên, mũi tên hướng ra phía cổng để xua đuổi quỷ.

Những vật treo đều là tượng trưng hướng về sự bảo vệ con người và cầu mong hạnh phúc. Trồng nêu còn để làm dấu hiệu là đất có chủ, ma quỷ không được nhòm ngó, quấy nhiều.

Cây nêu còn là biểu tượng của vũ trụ, nối liền đất với trời. Cuối năm, cuối mùa đông, người dân mới trồng nêu với dụng ý ngọn nêu vươn lên đón mùa xuân, đón ánh mặt trời (dương khí), và cũng để biểu hiện thế áp đảo với quỷ, biểu tượng của âm.

Tết đến, người ta thường dựng nêu vào ngày 30 tháng Chạp; nhưng ở mỗi miền lại có thời điểm dựng nêu khác nhau.

Cây nêu trồng trước sân như vậy cho đến ngày Khai hạ (mồng bảy tháng Giêng) thì hạ xuống và đốt vàng mã.

Một cây nêu đã trang trí hoàn chỉnh được dựng lên tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: Minh Lý

Người Việt còn có thói quen treo câu đối đỏ trong những ngày Tết. Có câu đối khắc vào gỗ sơn son thếp vàng để vĩnh cửu, có câu đối viết lên giấy bồi (gọi là liên) thay đổi từng năm cho mới và hợp với gia cảnh từng năm.

Ngày xưa, vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, hầu như mọi nhà, dù giàu hay nghèo cũng đều treo một đôi câu đối đỏ trước bàn thờ tổ tiên, hay nơi cột nhà, cổng ngõ.

Đôi câu đối Tết treo trên cột làm cho không khí quanh bàn thờ thêm long trọng linh thiêng. Treo câu đối là một lề tục có văn hóa, một lối chơi văn hóa vì nội dung câu đối thường biểu hiện một ý niệm triết lý nhân sinh, hoặc là ca ngợi tổ tiên, hoặc đề cao đạo lý, hay nói lên ý tưởng cuộc sống bình dị của con người; cầu mong phúc, lộc, thọ, khang, ninh, hoặc nói lên chí khí, ước vọng đối với nhân tình thế thái, đất nước non sông...

Ngày Tết thường treo câu đối màu đỏ, vì theo quan niệm dân gian, màu đỏ là biểu hiện của sức sống (máu, lửa); và phải là câu đối đỏ thì mới nổi bật với màu bánh chưng xanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn