MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao số lượng nam giới bị bạo lực gia đình ngày càng tăng?

Thùy Trang LDO | 24/05/2024 08:00

Tại Việt Nam, tỉ lệ nạn nhân bị bạo lực gia đình là nam giới có dấu hiệu tăng.

Theo báo cáo tóm tắt của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cho thấy số lượng nạn nhân là nam giới trong các vụ bạo lực gia đình có dấu hiệu gia tăng.

Trong năm 2023 có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ. Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ là 2.600, nam 565. So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên tỉ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng so với năm trước.

Trên thế giới, nhiều quốc gia ghi nhận hiện tượng tương tự, khi số lượng nam giới là nạn nhân bị bạo hành chiếm phần đáng kể.

Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (CSJ) công bố số liệu 1/3 nạn nhân bạo hành gia đình là nam giới năm 2020. Mặc dù chiếm tỉ lệ lớn, nạn nhân nam vẫn đối mặt với thái độ nghi ngờ, bài trừ khi trình báo với cơ quan chức năng.

CSJ cho rằng sự kỳ thị của xã hội về bạo lực gia đình trở nên mạnh mẽ hơn khi nạn nhân là nam giới và thủ phạm là phụ nữ. Điều đó khiến nạn nhân là nam giới ít được lắng nghe, quan tâm và bảo hộ hơn nữ giới.

Tổ chức từ thiện ManKind báo cáo rằng vào năm 2021, trong số 238 nơi ẩn náu cho nạn nhân của bạo hành gia đình, chỉ có 58 nơi cam kết hỗ trợ nạn nhân là nam.

Tại Australia, sau dịch COVID-19, số lượng nam giới bị bạo lực gia đình trong năm 2020 tăng 10% so với năm trước. Dù vậy, các dịch vụ và cơ chế hỗ trợ chưa thể giúp nam giới vượt qua mặc cảm, lên tiếng tố giác để nhận sự giúp đỡ.

Troy McEwan, phó giáo sư tâm lý học lâm sàng và pháp y tại Đại học Swinburne, cho biết: “Tôi biết rằng có nhiều phụ nữ thiệt mạng trong các vụ bạo lực gia đình hơn, tôi biết rằng nhìn chung đàn ông gây ra nhiều thương tích hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta nên phớt lờ họ.”

Số lượng nạn nhân nam bị bạo hành gia đình có xu hướng tăng. Ảnh: ABC News

Một nghiên cứu của nhóm vận động vì quyền nam giới Parity cho biết, những người đàn ông bị bạn đời tấn công thường bị cảnh sát phớt lờ và có ít nơi để chạy trốn hơn phụ nữ.

Nhóm này đánh giá: "Về mặt văn hóa, đàn ông khó có thể trình báo những vụ bạo hành. Đàn ông không muốn nói rằng họ đã bị phụ nữ lạm dụng, tấn công vì điều đó bị coi là thiếu nam tính và yếu đuối".

Elizabeth Bates - nhà nghiên cứu tại Đại học Cumbria (Anh) chỉ ra rằng, xã hội không thừa nhận việc những người đàn ông cũng có thể bị tổn thương, là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Cô chia sẻ: "Chuyện đàn ông bị bạo lực đôi khi được miêu tả trên TV hoặc trong các chương trình hài, với bối cảnh hài hước, châm biếm. Chúng ta có thể cười nhạo hành động bạo lực của phụ nữ với nam giới, và điều này vô tình ngăn cản nam giới tìm kiếm sự giúp đỡ, xuất phát từ nỗi sợ rằng không ai tin họ".

Nhiều chuyên gia lo ngại trước thực trạng đàn ông chưa được lắng nghe, hỗ trợ và bảo vệ khi bị bạo hành, lạm dụng trong gia đình. Cho dù trên thực tế, bất kỳ ai cũng có thể bị bạo lực gia đình, không phân biệt giới tính, giai cấp, thành phần xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn