MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vợ dàn dựng tống tiền chồng 10 tỉ đồng và sự đứt gãy niềm tin trong hôn nhân

Anh Trang LDO | 30/09/2023 11:02

Câu chuyện vợ vờ bị bắt cóc, tống tiền 10 tỉ đồng để "thử lòng chồng" gây chú ý dư luận những ngày qua.

Sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, biết được người phụ nữ giả danh kẻ bắt cóc nhắn tin cho chồng chỉ với mục đích "thử thách tình cảm và phản ứng" của anh này.

Để tìm hiểu về diễn biến tâm lý của những người trong cuộc sau khi trải qua sự việc, phóng viên Lao Động liên hệ với chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình Đinh Hương.

Về câu chuyện vợ bày ra vụ bắt cóc để thử lòng chồng, chuyên gia Đinh Hương cho biết: "Tôi đánh giá sự việc này là rất nghiêm trọng.

Có rất nhiều vấn đề sẽ xảy ra sau vụ việc. Nhưng quan trọng nhất là vấn đề về niềm tin giữa vợ và chồng.

Cả hai sẽ rất khó xây dựng mối quan hệ mật thiết. Nghiêm trọng hơn, họ khó có thể tiếp tục duy trì cuộc sống hôn nhân cùng với nhau, sau vụ việc.

Dùng chính mình và con để tống tiền, tạo nên sự sợ hãi rất lớn cho người chồng, người chồng sẽ bị sốc tâm lý. Người chồng sẽ đặt ra câu hỏi rằng, vợ mình có đáng tin hay không, sẽ còn làm những điều gì trong tương lai".

Theo chuyên gia Đinh Hương, khi niềm tin đổ vỡ, cái nhìn của người chồng về người vợ sẽ khác đi rất nhiều. Người chồng sẽ có suy nghĩ về vợ là người xấu, người đào mỏ, người không thể tin tưởng, người thủ đoạn hay bày mưu tính kế...

Góc nhìn của mỗi người trong từng hoàn cảnh khi bị sang chấn tâm lý sẽ khác nhau. Khi bị rối loạn lo âu sang sang chấn, đôi khi người chồng còn rất sợ gặp lại người vợ.

Chuyên gia đánh giá, sự việc tưởng chỉ là "kịch bản giả vờ" nhưng để lại hệ lụy cực kỳ nghiêm trọng và khó hàn gắn. Câu chuyện thể hiện sự đứt gãy về niềm tin trong hôn nhân.

Nếu cả hai muốn hàn gắn thì cần nhiều thời gian trị liệu.

Tin nhắn giả danh của người vợ vờ bị bắt cóc. Ảnh: Công an cung cấp

Trước đó, từng xảy ra nhiều vụ khi vợ hoặc bạn gái dàn dựng giả làm "người thứ 3" để nhắn tin tán tỉnh, thả thính chồng/bạn trai. Những sự "dàn dựng" này thể hiện sự đổ vỡ về mặt niềm tin trong mối quan hệ.

Với vụ việc vợ giả bắt cóc con, chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình Đinh Hương nói thêm, việc giữ gìn hạnh phúc hôn nhân gia đình không được "sử dụng" con cái trong bất kỳ trường hợp nào.

Chuyên gia nói thêm, sự việc có thể bị xử phạt hành chính ở các mức khác nhau về việc gây tổn hại tinh thần tới trẻ em và hành vi tống tiền.

Ngày 30,12.2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Theo đó, Nghị định quy định xử phạt một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trẻ em.

Trong đó, có ghi rõ mức độ xử phạt khi vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) khi gây tổn hại về tinh thần... ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

Về hành vi tống tiền, căn cứ Điểm b Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác có khoản:

Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với việc dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn