MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xấu hổ vì bị con cháu chê tiền lì xì chỉ có 20 nghìn

Minh Anh LDO | 05/02/2022 20:20

Mỗi năm cứ đến Tết, việc lì xì lại trở thành một "nghĩa vụ" mệt mỏi đến nỗi tôi không còn muốn về quê.

Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường, nhưng anh chị em tôi lại là người thành đạt. Tôi kinh doanh một cửa hàng ăn ở Hà Nội cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, 2 năm vừa rồi dịch bệnh căng thẳng đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình tài chính của gia đình tôi. 

Mỗi năm Tết đến, ngoài việc đau đầu nghĩ xem biếu bố mẹ bao nhiêu, gửi quà Tết thế nào cho bằng anh bằng em thì việc lì xì bao nhiêu tiền cũng khiến tôi rất đắn đo. Đồng tiền kiếm được mồ hôi nước mắt, nhà lại đông con cháu, rồi họ hàng làng xóm, nếu lì xì quá nhiều cũng rất tốn kém. Mà ít quá lại bị cười chê. 

Vì năm vừa rồi làm ăn không được, con gái lại mới ốm dậy, phải chi một khoản tiền chữa bệnh cho cháu, kinh tế rất eo hẹp. Tôi mới quyết định năm nay bỏ vào mỗi bao lì xì 20.000 đồng thay vì 50.000 đồng như mọi năm. 

Vừa rồi về chúc Tết bố mẹ, anh chị em người thì khoe mới mua được căn nhà, người thì kể chuyện mới lên chức tăng lương. Tôi chỉ biết cười trừ, năm rồi không lỗ tiền hàng là may mắn lắm rồi.

Mỗi dịp Tết, chuyện lì xì bao nhiêu lại khiến nhiều người lớn đau đầu.

Đến khi mừng tuổi, các cháu tôi nhận lì xì thì kháo nhau mở ngay trước mặt chúng tôi rồi so xem ai mừng nhiều hơn. Các cháu thấy 20.000 đồng thì bĩu môi chê ít. Các anh chị em ai cũng mừng 100.000 – 200.000, chỉ có gia đình tôi mừng số tiền nhỏ hơn. Tôi ái ngại nhìn mọi người thì bố mẹ chúng còn hùa vào với các con hỏi tổng kết “thu nhập” đứa nào cao nhất. 

Lúc ra về, các con tôi còn bảo, thôi con đưa lì xì cho mẹ rồi mẹ mừng lại cho nhà khác. Nhà mình chẳng có tiền mà các anh chị cứ muốn mừng nhiều. Nghe vậy vợ chồng tôi rất thương các con, không đòi hỏi mà còn thông cảm cho bố mẹ. 

Thật chẳng hiểu từ bao giờ, trẻ con lại coi tiền mừng tuổi là “thu nhập” dù chẳng phải lao động làm ra tiền ngày nào. Lại còn chê người nào ít, khen người nào nhiều. Ngày tôi còn nhỏ, nhận được lì xì là mừng lắm rồi, chẳng bao giờ dám nghĩ ít hay nhiều. Được lì xì, quý tiền quý cả chiếc phong bao đỏ, bởi hồi đó người ta coi lì xì để lấy may, chứ chẳng phải khoe tiền khoe của như bây giờ.

Mỗi dịp Tết, chuyện lì xì bao nhiêu lại khiến nhiều người lớn đau đầu. Lì xì vốn dĩ để lấy lộc, lấy vía cho trẻ khoẻ mình, bình an, học hành tấn tới… Tuỳ điều kiện mỗi người. Vậy mà nhiều người lại không hiểu điều này, tập cho trẻ thói quen xấu khi nhận lì xì, làm mất đi giá trị của tục lệ tốt đẹp này. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn