MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày Tết, người Việt lưu truyền nhiều tục lệ để cầu may, tránh vận hạn. Ảnh: Thế Đại

Ý nghĩa đằng sau tục xông đất, hái cành lộc đêm giao thừa

Thùy Trang LDO | 10/02/2024 07:43

Sau thời khắc giao thừa, nhiều gia đình có thói quen đi hái cành lộc, xông đất để cầu may trong năm mới.

Trong cuốn "Lễ tục trong gia đình người Việt" giải nghĩa về tục xông đất, xin cành lộc đầu năm của người Việt.

Người xưa tin rằng, ngày đầu năm nếu được người vui vẻ dễ tính tốt nết đến nhà trước nhất, thì cả năm trong nhà mọi việc sẽ hanh thông. Người đến trước nhất là người xông nhà, xông đất. Bởi vậy nhiều người phải chọn người xông nhà cho mình.

Ngày nay, nhiều gia đình lại tìm người có tuổi hợp với gia chủ hoặc tuổi tốt của năm đó mời đến xông nhà. Cũng có gia đình, gia chủ tự xông đất lấy để tránh nghĩ ngợi về những phiền phức, rủi ro khi có người khác đến xông nhà.

Thuở xưa, người đến xông nhà đốt một bánh pháo mừng, cất cao giọng chúc chủ nhà mọi điều tốt lành, tuỳ theo từng trường hợp: Tăng phúc tăng thọ (nhà có cha mẹ già); Phong đăng hòa cốc (nhà nông); Tốt tài sai lộc (nhà buôn bán, làm nghề); Buôn may bán đắt, Nhất bản vạn lợi (nhà buôn); Thăng quan tiến chức (người làm việc cho nhà nước).

Chủ nhà hoan hỉ đón chào và cảm ơn, đồng thời cũng chúc lại mọi điều hay, và có nơi còn đưa mừng tiền đựng trong một bao giấy nhỏ hồng điều gọi là phong bao. Tục đưa biếu tiền như vậy còn gọi là mở hàng.

Sau phút giao thừa pháo nổ, người ta làm cuộc du xuân cầu cúng tìm may. Chọn được hướng đi xuất hành tốt, mọi người đến đền, chùa làm lễ. Đi lễ đền chùa đầu năm không ai mang lễ vật vàng hương như ngày thường vì đến nơi đã sẵn có bán.

Nhiều khi quá đông người, không thể vào lễ trước bàn thờ, phải đứng ngoài sân cầm hương thắp khấu đầu vái và khẩn cầu. Có người mang theo về vài ba nén hương gọi là hương lộc đem cắm vào bát hương Táo quân ở nhà. Lửa đỏ ở mấy nén hương là lộc Phật Thánh ban, biểu tượng cho thịnh vượng.

Cũng nhiều người lễ xong, ra vườn chùa xin lộc ở cây cổ thụ già nhất, tục gọi là hái lộc mang về đặt dưới mái nhà gian giữa trước bàn thờ gia tiên.

Người ta cũng thường hái lộc ở cây đa đầu làng, vì đa là loài cây sống lâu, tượng trưng cho tuổi thọ, đa còn có nghĩa là nhiều - nhiều con, nhiều tiền và phải có ý chọn cành cây hướng về phương Đông, lá sạch, không sâu, cành đẹp, có búp mới thật tốt.

Trước khi hái, họ phải đếm số lá trên cành: nếu số lá chẵn thì đi buôn không tốt, nhưng đi hỏi vợ thì lại tốt (vì chẵn là đủ đôi). Xin cây lá xong thì niệm: "Xin lộc lấy may!" rồi mới ngắt.

Nhất thiết không được cho lộc vì cho lộc sẽ mất lộc. Tục hái lộc sinh ra từ truyền thuyết vua Hùng nhân chuyến đi chơi xuân, hái cành lộc mang về cho con cháu với mục đích truyền điềm tốt lành cho dòng dõi nhà mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn