MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dự kiến cách tính lương của bác sĩ khi cải cách tiền lương từ 1.7

HẠNH AN LDO | 22/04/2024 19:30

Dự kiến cải cách tiền lương từ 1.7.2024 sẽ có 2 nhóm ngành dẫn đầu mức tăng lương, trong đó có viên chức ngành Y tế.

Theo tinh thần tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương của viên chức không giữ chức danh lãnh đạo khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bao gồm:

Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương).

Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).

Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Như vậy, sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024 thì tiền lương bác sĩ làm trong cơ sở y tế công lập sẽ được xây dựng theo công thức như sau:

Lương bác sĩ = Lương cơ bản + phụ cấp (nếu có) + tiền thưởng (nếu có).

Ngoài ra, tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, có đưa ra nội dung cải cách tiền lương về xây dựng 02 bảng lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm:

Xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Như vậy, sau cải cách tiền lương sẽ xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.

Bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ - từng cho biết, một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức, viên chức khác.

Việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong bối cảnh Trung ương cũng đang thực hiện nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế. Vì thế, 2 việc này phải làm song song.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh, trải qua đợt dịch COVID-19 thì thấy ngành y tế và giáo dục là 2 ngành đặc thù công chức, viên chức, người lao động cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Vì vậy, khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sĩ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn