MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giá hàng hóa rục rịch tăng theo giá xăng, người lao động mong có giải pháp

Anh Tuấn LDO | 06/04/2024 08:16

Mỗi khi giá xăng tăng, giá các loại hàng hoá thiết yếu cho người dân như rau xanh, thịt cá... rục rịch tăng theo. Người lao động mong rằng, cơ quan quản lý cần có giải pháp để kiểm soát chặt, xử phạt đơn vị, cá nhân tăng giá bất hợp lý theo kiểu "té nước theo mưa".

Giá thực phẩm rục rịch tăng

Chiều 4.4, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định tăng 290 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, lên 23.910 đồng/lít; trong khi giảm 10 đồng/lít đối với xăng RON 95, vẫn neo ở ngưỡng cao 24.800 đồng/lít.

Trong khi đó, hầu hết các mặt hàng dầu lại có xu hướng tăng giá trở lại. Dầu diesel 0.05S lên mức 20.980 đồng/lít, tăng thêm 290 đồng/lít; dầu hỏa có giá mới 21.010 đồng/lít, sau khi tăng 140 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng thêm 150 đồng, lên mức 17.290 đồng/kg.

Giá xăng dầu tăng khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng giá hàng hóa sẽ lại "điệp khúc tăng" theo giá xăng. Trên thực tế, ghi nhận của Lao Động, một số mặt hàng thực phẩm, thiết yếu cũng đã rục rịch tăng giá.

Theo ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, mỗi chuyến xe tuyến Hà Nội - Lào Cai, tiền xăng dầu hết khoảng 6 triệu đồng, trong khi tiền xăng, dầu chiếm 35-40% doanh thu mỗi chuyến xe của hãng.

"Tôi có 20 xe chạy tuyến cố định nhưng chúng tôi phải tìm cách dồn chuyến, dồn khách để tiết kiệm chi phí. Do không thể tăng giá vé theo giá xăng dầu nên xe càng chạy, công ty càng lỗ", ông Bằng nói.

Dù giá cước vận tải chưa tăng do doanh nghiệp xoay xở đủ cách, nhưng nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các chợ truyền thống đã rục rịch tăng giá.

Bà Mai - chủ quán bún ốc trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, mặc dù lấy hàng ở mối quen, tuy nhiên, giá rau xanh bắt đầu tăng trong 2 tuần trở lại đây.

"Rau cải, rau thơm tăng 1.000 đồng - 2.000 đồng/bó so với 2 tuần trước; thịt đùi heo cũng từ 95.000 đồng/kg lên 102.000 đồng/kg; giá gạo cũng tăng 1.000 đồng - 2.000 đồng/kg, như gạo thường có giá 15.000 đồng/kg, gạo Jasmine 18.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg", bà Mai nói.

Giá rau xanh rục rịch tăng. Ảnh: Anh Tuấn

Không thể gồng gánh giá xăng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng theo, bà Vũ Yến (Cầu Giấy, Hà Nội) buộc phải tăng giá bán các loại cá. Bà Yến chia sẻ, mấy tháng trước, bà đã cố gắng duy trì giá bán hoặc chỉ tăng nhẹ 2.000-3.000 đồng/kg để giữ chân khách.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bà buộc phải tăng giá mạnh hơn. Dù biết càng tăng giá, sức mua càng giảm nhưng bà cũng đành chịu vì nếu không làm thế thì chỉ có nước bù lỗ.

Thông tin từ Tổng Cục Thống kê, trong các nhóm hàng có chỉ số giá tháng 3.2024 tăng so với cùng kỳ năm trước có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,05%, tác động làm CPI chung tăng 1,36 điểm phần trăm, trong đó, nhóm lương thực tăng 16,54%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,29%; thực phẩm tăng 1,94%.

Tổng cục Thống kê cho rằng, lạm phát cơ bản tháng 3.2024 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,77%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Giá xăng ở ngưỡng nào là phù hợp

Trước tình trạng giá xăng tăng, người lao động mong muốn có giải pháp để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, tránh ảnh hưởng đến chi tiêu trong gia đình.

"Tôi hi vọng cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp để giữ ổn định giá xăng dầu. Bởi việc giữa giá xăng ổn định, hoặc giảm giá sẽ giúp nhiều gia đình tiết kiệm một khoản chi phí hằng tháng.

Hơn nữa, việc giảm giá xăng dầu sẽ phần nào giảm bớt áp lực cho thị trường, bởi đây là mặt hàng có tác động lớn tới sự thay đổi giá cả nhiều mặt hàng, dịch vụ", chị Nguyễn Thị Nụ - nhân viên văn phòng tại một công ty nội thất trên phố Lê Văn Lương (Hà Nội) cho hay.

Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay, áp lực lạm phát còn đến từ giá năng lượng. Trong đó, xăng, điện là mặt hàng rất quan trọng trong sản xuất và tiêu dùng nên có tác động khá lớn tới lạm phát, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng 0,33%.

Theo ông, đối với giá xăng dầu trong nước, mức giá chỉ nên dao động trong khoảng từ 19.000 - 22.000 đồng. Còn khi giá xăng trên 22.000 đồng thì điều hành đã có vấn đề, phải tìm cách điều tiết.

Do vậy, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Các bộ ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas...) có giải pháp điều hành chủ động, phù hợp để hạn chế tăng giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn