MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm gì để hiện thực hóa mục tiêu 6.000MW điện gió ngoài khơi?

Cường Ngô (ghi) LDO | 18/04/2024 14:06

Trong cuộc phỏng vấn với Báo Lao Động sau sự kiện Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, ngày 17.4, ông Mark Hutchinson - Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, vẫn cần có các hướng dẫn và cơ chế hỗ trợ chi tiết hơn để Việt Nam có thể khai thác tối đa tiềm năng điện gió ngoài khơi.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vừa được Chính phủ phê duyệt, ban hành có những điểm gì đáng chú ý, thưa ông?

- Điểm đáng chú ý trong kế hoạch thực hiện này là phân bổ công suất nguồn điện gió ngoài khơi theo vùng, thông tin quan trọng để quy hoạch và phát triển dự án một cách hiệu quả.

Với phân bổ 2.500MW cho khu vực Bắc Bộ, 500MW cho khu vực Trung Trung Bộ, 2.000MW cho Nam Trung Bộ và 1.000MW cho Nam Bộ, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII cung cấp một lộ trình tương đối rõ ràng cho phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Hơn nữa, việc thành lập hai trung tâm công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo, tập trung hỗ trợ ngành điện gió ngoài khơi là một cách tiếp cận chủ động để tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Những trung tâm này có thể trở thành trung tâm nghiên cứu, đổi mới và hợp tác, thúc đẩy tiến bộ công nghệ và nâng cao khả năng của chuỗi cung ứng nội địa trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Dù vậy, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vẫn cần có các hướng dẫn và cơ chế hỗ trợ chi tiết hơn để có thể khai thác tối đa tiềm năng của nguồn năng lượng tái tạo này tại Việt Nam.

Ông Mark Hutchinson - Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu. Ảnh: GWEC

Theo ông, rào cản lớn nhất hiện nay đối với sự phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam là gì?

Thứ nhất, Quy hoạch không gian biển và Nghị định số 11 liên quan đến giao khu vực biển là tài liệu quan trọng trong việc phân bổ khu vực phù hợp để phát triển dự án điện gió ngoài khơi.

Nếu không có hướng dẫn rõ ràng từ quy hoạch không gian biển, các đơn vị phát triển dự án không thể xác định rõ vị trí xây dựng dự án. Do đó, không thể tiến hành khảo sát về điều kiện gió, môi trường và các khảo sát cần thiết khác (thường kéo dài 2 năm), từ đó gây trở ngại cho tiến triển của các dự án điện gió ngoài khơi.

Thứ hai, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành là yếu tố vô cùng quan trọng, đảm bảo sự nhất quán giữa các bộ, ngành khác nhau liên quan đến quá trình phát triển điện gió ngoài khơi.

Thứ ba, cần triển khai các dự án thí điểm để chứng minh tính khả thi và hiệu quả của nguồn năng lượng tái tạo này trong bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thứ tư, việc xây dựng Hợp đồng Mua bán điện (PPA) phù hợp là cần thiết nhằm đảm bảo sự minh bạch và chắc chắn cho cả nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Một hợp đồng mua bán điện rõ ràng sẽ đảm bảo nguồn thu dài hạn cho dự án và giảm thiểu rủi ro đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi.

Cuối cùng, cần thiết kế cơ chế đấu giá hiệu quả nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong ngành điện gió ngoài khơi. Một cơ chế đấu giá hiệu quả sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tham gia và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.

Trong số những rào cản nêu trên, Quy hoạch không gian biển là vấn đề đặc biệt cấp bách trong năm 2024.

Từ khi ban hành Quy hoạch điện VIII cho đến nay, các chính sách cụ thể cho ngành điện gió ngoài khơi vẫn tiếp tục cần được bổ sung và hoàn thiện, xin ông cho biết kinh nghiệm quốc tế trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi, thưa ông?

Thực tiễn triển khai, chúng tôi thấy rằng, mỗi quốc gia sẽ có khung pháp lý khác nhau trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, không quốc gia nào giống quốc gia nào.

Những nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi rất cần một khung pháp lý hiệu quả trong đó phân bổ rủi ro một cách hợp lý, các hợp đồng mua bán điện cần được thiết kế phù hợp để dự án có thể tiếp cận nguồn tín dụng quốc tế, và cần có những cơ chế rõ ràng hơn về việc khu vực biển nào được phân bổ cho nhà phát triển nào.

Tôi lấy ví dụ, ở Philipines, một "hợp đồng dịch vụ" cho một khu vực biển nhất định sẽ được trao cho một nhà phát triển dự án, cho phép nhà phát triển sử dụng độc quyền khu vực biển đó trong một khoảng thời gian nhất định để phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Nếu đơn vị đó không phát triển dự án và thực hiện các hoạt động như đã đề xuất, họ bắt buộc phải trả lại vùng biển đó cho Chính phủ.

Hàn Quốc cũng có một quy trình tương tự, "giấy phép kinh doanh điện" được trao độc quyền cho các nhà phát triển. Tương tự, các nhà phát triển có một khoảng thời gian cụ thể để phát triển dự án, và sẽ phải trả lại cho Chính phủ nếu dự án không đạt được tiến độ như đã cam kết.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn