MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lãng phí hiệu quả đầu tư nếu điện mặt trời mái nhà dư thừa bán giá 0 đồng

Anh Tuấn LDO | 22/04/2024 12:10

Ông Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, việc người dân đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng chỉ được bán lên lưới với giá 0 đồng, không được bán cho tổ chức, cá nhân khác thì rất khó thu hút người dân, doanh nghiệp hưởng ứng.

Hạn chế hiệu quả nguồn điện mặt trời, gây lãng phí năng lượng

Tại dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, Bộ này cho biết, loại hình điện mặt trời mái nhà có thể đấu nối, hoặc không với lưới điện quốc gia và không bán cho tổ chức, cá nhân khác.

Trường hợp nguồn này đấu nối với lưới điện, người dân chọn phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được Nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán. Tức là, người dân có thể bán điện dư thừa, nhưng giá 0 đồng.

Trao đổi với Lao Động, TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, miền Bắc vẫn đứng trước nguy cơ thiếu điện, do vậy, việc người dân lắp điện mặt trời để sản xuất, dư thừa nhưng bán với giá 0 đồng sẽ không khuyến khích người dân đầu tư.

Bộ Công Thương giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ được bán giá 0 đồng. Ảnh: Hoàng Minh

Theo ông Lâm, đặc thù điện mặt trời là phát điện vào ban ngày và thay đổi bức xạ theo từng thời điểm, điều này dẫn đến việc thừa, thiếu điện trong quá trình sử dụng năng lượng mặt trời. Việc không thể bán điện dư thừa, hoặc khấu trừ vào tổng sản lượng sử dụng dẫn đến không hiệu quả khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời.

Do vậy, ông Lâm cho rằng, đề xuất trên khiến các cơ quan, doanh nghiệp không ai muốn đầu tư hệ thống, từ đó dẫn đến hạn chế hiệu quả nguồn điện mặt trời, gây lãng phí năng lượng.

"Cơ chế cho bán sản lượng điện mặt trời mái nhà dư lên lưới, hoặc bán nội bộ trong khu công nghiệp sẽ giúp giá bán lẻ điện của hệ thống cho các nhóm khách hàng sử dụng điện thấp đi, kể cả các nhóm từ sản xuất, sinh hoạt, thương mại, hành chính sự nghiệp.

Nếu sản lượng điện dư từ hệ thống điện mặt trời được bán lên lưới, sẽ có lợi cho nền kinh tế và an sinh xã hội, giúp giá điện bán lẻ rẻ hơn. Hầu hết các nước khi chuyển dịch năng lượng xanh, họ đều ưu tiên phát triển nguồn điện mặt trời phân tán trước, sau đó mới đến các nguồn năng lượng tái tạo khác bởi nó có giá thành rẻ và dễ thực hiện", TS Ngô Đức Lâm cho hay.

Phương pháp tối ưu để điện mặt trời mái nhà dư thừa được huy động lên lưới

Ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam cho rằng, cần khuyến khích doanh nghiệp trong khu công nghiệp lắp đặt thiết bị lưu trữ nguồn điện mặt trời mái nhà không sử dụng hết để chuyển thành nguồn điện nền sạch, sau đó phát lên lưới điện vào cao điểm buổi tối với mức giá phù hợp.

Đồng quan điểm, TS Lê Hải Hưng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, điện mặt trời mái nhà được bổ sung quá nhiều vào hệ thống điện sẽ dẫn tới sự mất cân đối. Do đó, nếu chiếm tỉ trọng cao thì cần các nguồn điện chạy nền khác (phần lớn là nhiệt điện, thủy điện) để hệ thống điện vận hành ổn định, an toàn.

Song, không vì thế mà có điện mặt trời mái nhà dư thừa nhưng không được lên lưới, như vậy vừa tốn nguồn lực đầu tư của người dân, doanh nghiệp, vừa lãng phí nguồn điện rất quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, TS Lê Hải Hưng cũng lưu ý việc liên kết, huy động như thế nào cũng cần có những tính toán kỹ lưỡng. Ông cho rằng, phương pháp tối ưu để điện mặt trời mái nhà dư thừa được huy động lên lưới, đó là cần phát triển công nghệ lưu trữ điện năng.

"Bản chất của công nghệ lưu trữ điện năng là lưu trữ điện lúc dư thừa (giờ thấp điểm) và phát lại vào giờ cao điểm. Chỉ có lưu trữ điện mới loại bỏ hoàn toàn các loại hình phát điện dùng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai", ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn