MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tính giá điện như cước điện thoại: Quan trọng nhất cần công khai, minh bạch

Anh Tuấn LDO | 13/04/2024 07:37

Ông Đào Nhật Đình – Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho hay, khi thị trường điện đã trưởng thành cần thực hiện hệ thống giá điện hai thành phần - tức là giá điện công suất chủ yếu bù đắp cho chi phí cố định của nhà máy; còn giá điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi.

Giá điện cho khách hàng sản xuất có thể sẽ tăng nhẹ

Hiện giá bán lẻ điện bình quân đang được quy định theo Quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, nếu như hộ sinh hoạt sẽ áp dụng theo cơ cấu biểu giá bậc thang thì các hộ tiêu dùng điện khác gồm sản xuất, dịch vụ, hành chính sự nghiệp… sẽ áp dụng theo cơ cấu biểu giá theo giờ bình thường, thấp điểm, cao điểm và cấp điện áp.

Đây là biểu giá điện một thành phần (áp dụng cho điện năng sử dụng). Biểu giá này có ưu điểm là đơn giản, nhưng lại không phản ánh đúng chi phí mà người sử dụng điện gây ra cho hệ thống. Vì vậy, không góp phần cải thiện hệ số sử dụng thiết bị, gây rủi ro cho ngành điện khi thu hồi chi phí cố định qua giá điện năng.

Do đó, việc nghiên cứu áp dụng giá điện hai thành phần được xem là bắt buộc, khi Việt Nam là một trong số ít các nước chưa có giá điện hai thành phần. Bởi điện là hàng hóa đặc thù. Quá trình cung cấp điện bao giờ cũng gồm hai thành phần: công suất đăng ký và điện năng tiêu dùng.

Ông Đào Nhật Đình - Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho hay, khi thị trường điện đã trưởng thành cần thực hiện hệ thống giá điện hai thành phần - tức là giá điện công suất chủ yếu bù đắp cho chi phí cố định của nhà máy; còn giá điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi.

Bộ Công Thương đã giao EVN nghiên cứu giá điện hai thành phần để tiến tới thay thế cho giá điện một thành phần đang thực hiện. Ảnh: EVN

“Dù cho năng lượng tái tạo phát triển mạnh theo định hướng chuyển đổi xanh và carbon thấp thì vẫn không thay đổi bản chất không ổn định. Do vậy, cần có các tổ máy điện than bảo vệ dự phòng - tức là nhiệt điện cung cấp dịch vụ hỗ trợ ngay cả khi không phát điện, hoặc phát điện dưới công suất tối ưu", ông Đào Nhật Đình nói.

Theo ông, khi áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần, trước mắt, giá điện có thể tăng một chút với khách hàng công nghiệp và thương mại. Nhưng về lâu dài, nhờ hệ thống điện ổn định, minh bạch tạo ra cơ chế cạnh tranh giữa các nguồn điện, thúc đẩy tăng trưởng các nguồn năng lượng mới nên sẽ có tác động tích cực đến chi phí điện của người dùng cuối.

Đem lại công bằng cho người sử dụng điện

TS Nguyễn Huy Hoạch - Hội đồng khoa học Năng lượng Việt Nam cho hay, Trung Quốc bắt đầu thực hiện giá điện hai thành phần từ ngày 1.1.2024 nhằm tăng vai trò hỗ trợ của điện than cho năng lượng tái tạo.

Đó là các nhà máy nhiệt điện than được trả tiền công suất khi không phát điện (nhưng công nhân vận hành vẫn trực máy sẵn sàng khi có nhu cầu đưa các tổ máy vào vận hành theo yêu cầu điều độ của hệ thống điện). Đây là cải cách quan trọng, đánh giá đúng vai trò của nguồn điện chủ động trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo ngày càng tăng.

Do vậy, việc Bộ Công Thương yêu cầu EVN nghiên cứu xây dựng cơ chế giá bán điện hai thành phần (gồm giá công suất, giá điện năng), áp dụng cho khách hàng sử dụng điện là bước đi đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện.

Điều này nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ, cũng như sử dụng nguồn lực hợp lý, giúp cân bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống và giảm bớt nhu cầu đầu tư nguồn, lưới điện.

Giá điện hai thành phần sẽ đem lại sự công bằng cho người sử dụng điện (khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh), thúc đẩy khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

"Với xu thế phát triển năng lượng tái tạo ngày càng tăng và chiếm tỉ lệ quan trọng trong cơ cấu nguồn điện toàn hệ thống, hy vọng rằng, khi áp dụng giá điện hai thành phần, ngoài việc các khách hàng sử dụng điện (khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh) sẽ cơ cấu lại nhu cầu sử dụng điện hợp lý, tạo sức hút các nhà đầu tư tham gia phát triển điện LNG, thủy điện tích năng, đem lại lợi ích cho nền kinh tế", TS Nguyễn Huy Hoạch cho hay.

PGS.TS Trần Văn Bình, chuyên gia điện (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, EVN và Bộ Công Thương cần xây dựng được biểu giá cơ bản chính xác, công khai, minh bạch để làm thí điểm, sau đó tổng kết và nhân rộng theo lộ trình.

Những vấn đề cần làm rõ đó là phương pháp áp dụng thí điểm ra sao, có phù hợp hay chưa, ai sẽ kiểm tra và giám sát được. Đó là những vấn đề cần minh bạch khi thực hiện cơ chế mới về giá điện mới này.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết: “Đây là cách chúng ta tạo ra sân chơi minh bạch hơn, công bằng hơn và hiệu quả hơn cho tất cả các bên, kể cả phía nhà máy điện, nguồn điện cũng như doanh nghiệp sử dụng điện và người dân, để tiến tới thị trường điện trong thời gian tới”, ông Lâm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn