MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh ngày ra mắt phim Hoa nhài. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

“Bản thân vẻ đẹp cuộc sống đã là một bộ phim hay”

Hiền Hương (thực hiện) LDO | 26/01/2023 06:15
Bộ phim điện ảnh “Hoa nhài” được giới thiệu là tác phẩm cuối cùng của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh. Trong suốt cuộc đời làm phim của mình, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh có nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc, được bình chọn là những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Năm 2008, đài CNN bình chọn “Bao giờ cho đến tháng Mười” vào danh sách 18 bộ phim Châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.

Phóng viên Lao Động có cuộc trò chuyện với đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh trước thềm năm mới.

Hà Nội và cuộc sống của những người lao động bình dị trong lòng thành phố đã trở thành đề tài trong bộ phim cuối cùng của NSND Đặng Nhật Minh. Ông mất bao lâu cho bộ phim cuối cùng của mình?

- Khi một ý tưởng chín muồi, tôi sẽ viết ra trên giấy, thành tác phẩm văn học dưới dạng truyện ngắn. Nhiều khi, phải đợi đến nhiều năm sau, tìm được nguồn kinh phí hợp lý, tôi mới chuyển thể kịch bản phim từ tác phẩm văn học đã viết.

Từ 7-8 năm trước, tôi đã viết truyện ngắn “Hoa nhài”, in thành sách. Đến năm 2020, khi có nguồn kinh phí phù hợp, tôi mới chuyển thể “Hoa nhài” thành kịch bản phim.

“Hoa nhài” quay và hoàn thành trong hơn 3 năm dưới tác động nặng nề của dịch COVID-19.

“Hoa nhài” tái hiện những lát cắt cuộc sống ở Hà Nội. Đó là cậu bé đánh giày, là cô giúp việc, là 2 vợ chồng già mưu sinh hè phố... Và ông, như một người đứng ở góc phố, lặng lẽ quan sát. Ông muốn gửi gắm thông điệp gì về thân phận con người giữa tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội?

- Tôi sẽ không làm thay công việc của các nhà xã hội học, kinh tế học. Họ sẽ phân tích về tốc độ đô thị hóa, việc xây chung cư nhà cao tầng ảnh hưởng đến môi trường đô thị, hay sự xung đột giữa đời sống đô thị và nông thôn... Còn tôi, tôi chỉ quan tâm đến thân phận con người.

Tôi sinh ra ở Huế nhưng Hà nội là mảnh đất gắn bó với tôi nhiều nhất (hơn hai phần ba cuộc đời), nơi đây đã hình thành nên con người trưởng thành của tôi. Tôi quen thuộc với mọi ngóc ngách của thành phố này, quen biết với những con người sống ở đây thuộc đủ mọi thành phần.

Những người tôi tiếp xúc nhiều nhất, thân quen nhất, chính là tầng lớp lao động bình dị ở các hè phố. Đó là cậu bé đánh giày, là cô giúp việc, là bà hàng nước, ông thợ cắt tóc... Họ sống xung quanh tôi. Chính họ là những người mang đến vẻ đẹp đặc trưng cho Hà Nội.

Và họ khiến trái tim tôi rung động.

Mỗi ngày sống, những rung động về họ tích tụ lại trong tôi, hình thành ý tưởng sáng tác. Tôi cứ ấp ủ mãi những rung động ấy cho đến khi tìm được hình thức thể hiện, từ truyện ngắn thành kịch bản phim, và phim “Hoa nhài” được manh nha như thế.

Cảm xúc của ông khi những thước phim cuối cùng của “Hoa nhài” khép lại?

- Tôi yêu Hà Nội với vẻ đẹp cần lao và lòng nhân ái của những con người bình dị sống trên vỉa hè thành phố.

Tôi xác định “Hoa nhài” là bộ phim cuối cùng của tôi trong điện ảnh. Tôi muốn thể hiện trong phim này thứ ngôn ngữ điện ảnh tối giản, không câu nệ vào những khuôn mẫu thường thấy khi kể chuyện phim.

Trong phim, tôi giảm thiểu tối đa xung đột, kịch tính bề ngoài. Nhiều phân cảnh, tôi để khán giả tự nhận ra những kịch tính xung đột tiềm ẩn bên trong vẻ ngoài yên tĩnh. Đó là cách làm phim của tôi, để phim diễn ra tự nhiên như dòng chảy cuộc sống.

 

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh đã đi qua một hành trình rất dài với điện ảnh. Kể từ những năm 1980, ông đã có loạt phim được ngợi khen kinh điển như: Bao giờ cho đến tháng Mười (1984), Cô gái trên sông (1987)... Ông thường chỉ làm phim do chính mình viết kịch bản. Vì sao?

- Tôi quan niệm, làm phim cũng giống như viết một bức thư tình. Tôi làm phim là để gửi đến khán giả bức thư viết về những tâm tình của mình, trút hết những rung động của mình lên trang giấy, trong từng câu, từng chữ kịch bản.

Khán giả giống như cô gái tôi yêu. Tất cả phải đến từ rung động chân thành, từ cảm xúc chân thực. Tôi không thể nhờ ai viết hộ thư tình giúp mình được. Bức thư ấy, dù có thể vụng về, bối rối, nhưng cũng sẽ là sự vụng về từ trái tim mình.

Tôi tôn trọng cảm xúc của mình dành cho tác phẩm. Bởi vậy, trong cuộc đời làm phim của mình, tôi không làm phim do ai đặt hàng và luôn tự viết kịch bản cho mình. Tôi muốn viết bằng cảm xúc, tình cảm chân thực từ trái tim mình và kể chuyện phim theo cách mình muốn.

Cũng có những đạo diễn làm phim dựa trên kịch bản của người khác mà họ đồng cảm và rất thành công. Nhưng cách của tôi là vậy.

Ông có hay xem lại những bộ phim của mình?

- Không. Tôi không xem lại. Nếu ngồi xem lại, sẽ có những thứ phải tiếc nuối mà mình không được sửa lại, làm lại được nữa. Mỗi bộ phim chỉ làm một lần, không làm lại được lần hai.

Bộ phim nào cũng có khiếm khuyết. Điều quan trọng là, xét về tổng thể, không khí của phim, cảm xúc của đạo diễn, chuyện phim phải đủ hấp dẫn, cuốn người xem trôi theo mạch phim mà không để ý đến những khiếm khuyết nhỏ.

Góc nhìn của ông về thời gian và cách một tác phẩm điện ảnh có thể vượt qua mọi giới hạn thời gian?

Giá trị cuối cùng của một tác phẩm điện ảnh là đạt tới Chân -  Thiện - Mỹ. Phim của tôi tối giản, không đẩy cao kịch tính cực đoan, đề cao vẻ đẹp con người, vẻ đẹp cuộc sống. Bởi, dù cuộc sống biến động đến đâu, dù thế giới thay đổi đến mức nào, tôi vẫn luôn đặt niềm tin vào lòng nhân ái, sự tử tế, cao thượng của con người.

Khi phim ảnh chạm được đến trái tim, cảm xúc của khán giả sẽ vượt qua giới hạn về thời gian. Với tôi, phim ảnh không cần phải cầu kỳ, dàn dựng hay sắp đặt quá nhiều.

Bản thân vẻ đẹp cuộc sống, vẻ đẹp của con người đã là một bộ phim hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn