MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thần tượng Kpop gen 4 ra mắt ở độ tuổi rất trẻ. Ảnh: Instagram

Blackpink - BTS gián đoạn, Kpop bế tắc và mất chất

Thùy Trang LDO | 30/03/2024 13:38

Bước sang thế hệ mới, nền giải trí Kpop đang gặp khó trong việc định hình chất riêng và thoát khỏi "cái bẫy" lợi nhuận trước mắt.

Thần tượng như "một khuôn đúc ra"

Vài năm qua, Kpop chứng kiến sự phát triển bùng nổ của các nhóm nhạc tân binh. Các công ty lớn liên tục cho ra mắt các nhóm nhạc mới để nối dài thành tích, giữ vững vị thế trên thị trường.

Thành công của IVE, aespa, Le Sserafim, NewJeans đến từ những ca khúc bắt tai, gây nghiện, phong cách thời thượng, trẻ trung.

Thế nhưng, nếu nhìn rộng hơn, Kpop đang thiếu sự phong phú. Có hàng chục nhóm nhạc "na ná" 4 nhóm nhạc kể trên, và hàng trăm thần tượng được nhào nặn cùng một công thức.

Mới đây, nhóm nhạc nữ ILLIT ra mắt và nhận nhiều sự chú ý. ILLIT có 5 thành viên, cùng tập đoàn HYBE với NewJeans, Le Sserafim.

Ba nhóm nhạc này có nhiều điểm chung: cùng 5 thành viên, phong cách Y2K hiện đại, sắc vóc đồng đều, vũ đạo vui nhộn dễ tạo "trend".

Chưa kể, các thành viên ILLIT cùng để một kiểu tóc, liên tục gây tranh cãi vì concept (hình ảnh nhận diện) tương đồng với NewJeans.

So sánh với các thế hệ trước, Kpop từng tồn tại rất nhiều thể loại, concept khác nhau. Với các nhóm nhạc đa dạng về ngoại hình, âm nhạc, số lượng thành viên, thị trường Kpop trước đây thực sự sôi động và có nhiều lựa chọn cho khán giả.

Theo Soompi, một xu hướng mới đang xâm chiếm Kpop là các bài hát dưới 3 phút. Album ra mắt của ILLIT có 4 bài hát nhưng thời lượng chỉ hơn 9 phút. Tình trạng tương tự xảy ra với NewJeans, IVE, Le Sserafim, Fifty Fifty...

Những ca khúc không có cao trào, thiếu đoạn bridge, lời hát sáo rỗng, nhưng vẫn có thể bù đắp bằng phần nhìn là những gương mặt đẹp.

Thời lượng ca khúc Kpop ngày càng ngắn phản ánh những thay đổi trong thói quen nghe nhạc của công chúng, hoặc đó là cuộc “chạy đua" của các nhà sản xuất để tận thu lợi nhuận trong thời đại các nền tảng video ngắn như Tik Tok, Reels... phát triển.

Các nhóm nữ gen 4 nổi tiếng nhưng thiếu màu sắc riêng. Ảnh: Instagram

Kpop mất chất

Những năm qua, số lượng thần tượng vị thành niên tăng mạnh, ra mắt từ rất sớm như Eunchae (2006), Hyein (2008), Leeseo (2007), và Boeun (2008)...

Do còn trẻ, họ có thời gian thực tập ngắn, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu kỹ năng mềm, khả năng thanh nhạc yếu.

Rất nhiều lần công chúng ngán ngẩm và thất vọng khi các thần tượng trẻ hát không ra hơi, giọng hát yếu ớt, run rẩy. Trong khi, kỹ thuật thanh nhạc tốt từng là điều kiện tiên quyết để một thực tập sinh trở thành thần tượng.

Một nhóm nhạc không có vocal (hát chính) mạnh, không có "cỗ máy nhảy" ấn tượng, không có rapper tài năng vẫn có thể bán hàng triệu bản album.

Dù vậy, Korea Times cho rằng, các báo cáo trong ngành thời gian gần đây cho thấy sự suy thoái ở thị trường nội địa của nhiều nhóm nhạc nữ Kpop.

Nhà phê bình âm nhạc Kim Do Hun khẳng định sự gia tăng đột biến về số lượng nhóm nhạc nữ tân binh dẫn đến tình trạng bão hòa và trì trệ của thị trường.

Công chúng Hàn Quốc đã không còn giữ thế độc tôn trong cơ cấu cộng đồng người hâm mộ Kpop. Không có khán giả nước nhà, các nhóm nhạc vẫn có thể kiếm bộn tiền từ những thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc, và cả Âu Mỹ.

Việc Blackpink và BTS gián đoạn hoạt động nhóm để lại khoảng trống lớn, vừa mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho thế hệ kế cận.

Thế nhưng trên thực tế, các nhóm nhạc gen 4 lại đã bắt đầu xa rời những giá trị cốt lõi làm nên tính riêng biệt và độc đáo của Kpop.

Đó là hệ quả sau khi các công ty giải trí áp đặt hình thức, biến nghệ sĩ thành “gà công nghiệp”, chạy theo doanh thu và không có chiến lược dài hạn.

Park Jin Young (sáng lập JYP) và Bang Si Hyuk (sáng lập HYBE) đều bày tỏ mối lo ngại về tính bền vững của Kpop. Họ nhấn mạnh sự cần thiết phải có chiến lược để duy trì Kpop, giữ được bản sắc trong một thị trường âm nhạc đang thay đổi nhanh chóng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn