MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Blackpink là đại sứ toàn cầu của nhiều nhà mốt lâu đời trên thế giới. Ảnh: Instagram nhân vật

Blackpink làm đại sứ và nỗi ám ảnh hàng hiệu của người Hàn Quốc

Huyền Chi LDO | 22/08/2023 07:23

Những món đồ hiệu xa xỉ có vai trò quan trọng trong xã hội Hàn Quốc, nhất là khi Blackpink và các idol Kpop liên tục trở thành đại sứ cho những nhà mốt cao cấp.

Kpop ảnh hưởng đến thời trang xa xỉ

Sự phổ biến của Kpop đang thu hút những nhà mốt danh giá, những thương hiệu lớn toàn cầu.

Các thương hiệu lớn như Chanel, Louis Vuitton, Dior, YSL... đã chọn BTS và các thành viên Blackpink làm đại sứ toàn cầu do họ sở hữu lượng fan đông và có tầm ảnh hưởng lớn ở Hàn Quốc cũng như Châu Á.

Nick Bradstreet, Giám đốc Bán lẻ Châu Á - Thái Bình Dương của Savills cho biết, Hàn Quốc đang có những bước tiến đáng kể trong ngành công nghiệp xa xỉ, vượt qua Nhật Bản và Trung Quốc để trở thành thị trường quan trọng nhất ở Châu Á.

Với sức ảnh hưởng của Kpop, Bradstreet nhấn mạnh Hàn Quốc đã trở thành một hiện tượng tại thị trường châu Á.

Các thần tượng trẻ cũng đã trở thành đại sứ thương hiệu xa xỉ, điển hình là nhóm NewJeans. Khi các đại sứ ở độ tuổi vị thành niên quảng bá những món đồ đắt tiền, thanh thiếu niên cũng sẽ quan tâm hơn đến mặt hàng này.

Kim Mihyeon - một giáo viên tiểu học - cho hay: “Việc các thần tượng Kpop xuất hiện trong trang phục sang trọng giúp lũ trẻ dễ dàng biết đến những thương hiệu này hơn và đôi khi còn thảo luận về chúng. Tôi thường xuyên thấy học sinh tiểu học mặc những nhãn hiệu xa xỉ, và càng có nhiều học sinh như vậy hơn ở cấp hai và cấp ba".

Tại Hàn Quốc, chiếc túi Chanel Medium Classic Flap Bag có giá hơn 14 triệu won (10.700 USD) nổi tiếng với biệt danh "túi dành cho khách dự đám cưới" do quá nhiều chị em dùng để dự hôn lễ. Tương tự, chiếc túi Louis Vuitton Speedy 30 trị giá 2 triệu won được mệnh danh là "chiếc túi 3 giây" vì cứ 3 giây lại có thể bắt gặp nó trên đường phố.

Theo Korea Times, những chiếc túi hàng hiệu xa xỉ giờ đây mang một ý nghĩa khác, được dùng như một "phương tiện" để thể hiện địa vị xã hội và sự thành công của một cá nhân.

Vào năm 2022, người Hàn Quốc đứng đầu thế giới về chi tiêu bình quân đầu người dành cho các mặt hàng xa xỉ. Trung bình, mỗi người chi 325 USD, giúp Hàn Quốc vượt qua các nền kinh tế lớn như Mỹ (280 USD/người) và Trung Quốc (55 USD/người).

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Bernstein - một công ty đầu tư của Hoa Kỳ - cho thấy, Seoul là thiên đường của các thương hiệu cao cấp toàn cầu với 221 cửa hàng, đứng thứ hai trên toàn thế giới chỉ sau Tokyo.

Blackpink là những ngôi sao được săn đón trong lĩnh vực thời trang - làm đẹp. Ảnh: Kpopstar

Đồ hiệu trở thành tấm khiên bảo vệ

Niềm đam mê đồ hiệu của người Hàn Quốc gắn liền với văn hóa "trưng bày", tức mang những món đồ phù phiếm, dễ thấy.

Seo Won-seok - giáo sư kinh tế tại Đại học Kookmin - nhận xét, ở xứ kim chi, việc sở hữu những món đồ xa xỉ được coi có thể giúp họ tránh cảm giác bị xã hội coi thường. Mọi người liên kết việc sở hữu đồ hiệu với giá trị của bản thân, dẫn đến họ dễ cảm thấy thất bại hoặc thiếu thốn nếu không dùng đồ hiệu.

Các chuyên gia nhắc đến "Hiệu ứng Veblen", một hiện tượng kinh tế xảy ra khi nhu cầu về hàng xa xỉ tăng lên, kết hợp với tác động của mạng xã hội và truyền miệng, đã tạo ra một hệ tư tưởng khi dùng những món đồ đắt đỏ.

Ví dụ, việc tăng giá liên tục của Chanel trong những năm qua lại càng khiến người Hàn "phát cuồng", sẵn sàng xếp hàng dài trên phố cả tiếng đồng hồ để săn những bộ sưu tập mới.

"Tính đồng nhất cao trong xã hội Hàn Quốc đã nuôi dưỡng thói quen so sánh trong cuộc sống hàng ngày. Họ so sánh với hàng xóm để cảm thấy hài lòng. Hiệu ứng này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mong muốn mua hàng xa xỉ của người dân" - Kang Joon-man, giáo sư tại Đại học Jeonbuk, giải thích.

Trong nửa đầu năm 2023, các cửa hàng ghi nhận khách hàng của họ chủ yếu là người trẻ. Tỉ lệ thanh niên ở độ tuổi 20 - 30 chiếm đến 40% tại các chuỗi mua sắm lớn.

Hàn Quốc phải đối mặt với những thách thức về vấn đề tỉ lệ sinh giảm và ngày càng nhiều người trẻ chọn không kết hôn, sinh con. Không có nghĩa vụ với gia đình, giới trẻ tận hưởng cuộc sống, thường xuyên "tự thưởng" bằng cách mua sắm, đầu tư cho bản thân.

Tờ Korea Times đánh giá, nhóm tuổi U30 đang thể hiện một mô hình tiêu dùng khác biệt so với các thế hệ trước. Họ ưu tiên hạnh phúc và giá trị của bản thân, mạnh tay chi tiêu cho các thương hiệu và sản phẩm làm nổi bật hình ảnh của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn