MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vé đêm diễn của Blackpink tại Hà Nội đã ngừng bán tạm thời. Ảnh: YG

Blackpink trước giờ G: Thị trường vé phức tạp, khó lường với đủ trò lừa đảo

Huyền Chi LDO | 20/07/2023 12:58

Nhiều ngày qua, tình trạng lừa đảo khi giao dịch vé đêm diễn của Blackpink vẫn diễn ra phức tạp, khó lường.

Thêm những hình thức lừa đảo kiểu mới

Nhiều ngày qua, mạng xã hội chứng kiến nhiều bài đăng "kêu cứu" của cả người mua vé lẫn người bán vé đêm diễn của Blackpink tại Hà Nội.

Một hình thức lừa đảo khác vừa mới xuất hiện là dịch vụ đăng ký hoàn vé cho ban tổ chức.

Trong các nhóm săn vé, một số người đăng bài hỗ trợ trả vé, hoàn tiền. Họ yêu cầu người bán gửi các thông tin như tên người đặt, thời gian đặt, loại vé, số ghế và số tài khoản nhận tiền hoàn vé để làm thủ tục gửi về ban tổ chức.

Nếu thông tin được kiểm duyệt, những người bán vé sẽ được hứa hẹn sẽ nhận lại 100% số tiền theo mệnh giá vé. Mức giá cho "thủ tục" này là 10% giá vé muốn hoàn tiền.

Trước đó, trong các quy định dành cho khán giả mua vé, trang Ticketbox nêu rõ điều khoản "Không hoàn tiền cho vé đã thanh toán".

Thế nhưng, không ít trường hợp vẫn tin vào những lời "có cánh", vì chính họ cũng không hiểu rõ cách thức bán vé của đơn vị phân phối.

Thị trường vé 2 đêm diễn của Blackpink trên sân Mỹ Đình diễn biến phức tạp đến nỗi truyền thông xứ Hàn cũng phản ánh việc bán vé của Blackpink tại Hà Nội đang gặp khó khăn. Nguyên nhân đầu tiên là do tình trạng lừa đảo diễn ra tràn lan, khó kiểm soát.

Trên Naver, một bài viết có tiêu đề: "Cảnh báo thực trạng người mua vé xem Blackpink tại Việt Nam bị chặn liên lạc sau khi chuyển tiền".

Tờ Now News của Hàn Quốc đưa tin về trường hợp của khán giả Kim Thu (23 tuổi) mua vé trị giá 1,8 triệu đồng với giá 2 triệu đồng (khoảng 107.000 won) qua Facebook. Sau khi chuyển tiền, khán giả này bị người bán lập tức cắt liên lạc.

Một nạn nhân người Hàn khác tên Kim Ah In (22 tuổi, nữ) cũng bị lừa khi giao dịch qua mạng xã hội: “Tôi tìm hạng vé 1,2 triệu đồng và mua từ bên trung gian với giá 1,5 triệu đồng, nhưng liên lạc cũng bị chặn. Có hơn 10 người mà tôi biết cũng bị lừa".

Thị trường diễn biến phức tạp trước giờ G

Vé đêm diễn Born Pink của Blackpink tại Hà Nội mở bán chính thức ngày 7.7. Đến ngày 15.7, trang Ticketbox bất ngờ thông báo tạm dừng bán vé. Giờ đây, người hâm mộ không thể mua vé qua kênh phân phối uy tín.

Có thể nói, việc đơn vị tổ chức ngừng bán vé tạo cơ hội để những người ôm vé, phe vé có thể tẩu tán số vé tồn đọng nhiều ngày qua.

Dù vậy, những hình thức lừa đảo, lôi kéo cả người mua lẫn người bán liên tục xuất hiện, khiến không ít người mất tiền oan.

Tour diễn vòng quanh thế giới của Blackpink đã vượt mốc 1 triệu vé được bán ra, chứng minh sức ảnh hưởng của nhóm trên pham vi toàn cầu. Ảnh: Naver

Sau ngày mở bán, không ít người phe vé vỡ mộng vì nhu cầu của khán giả không như dự kiến.

"Bỗng một ngày, hàng trăm người bận việc đột xuất đúng 2 ngày Blackpink diễn", một khán giả hài hước bình luận trên Facebook.

Không thể nhượng vé với lí do bận việc, những người bán bắt đầu dựng lên những câu chuyện "hoàn cảnh" hơn như mua nhầm vé, bố mẹ không cho đi, bị người yêu bỏ, thậm chí... sắp đẻ nên không đi được.

Thế nhưng, vé vẫn rất khó bán dù phe vé hạ giá, bán rẻ "cắt lỗ". Sau hàng loạt trường hợp bị lừa tiền, khán giả đã cảnh giác hơn với những chiêu đánh vào tâm lý của người bán.

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, N.T.T (Hà Nội) cho biết được một người dụ dỗ mua vé với mức giá cao. Người này rao bán vé VIP với giá 13 triệu đồng (giá niêm yết là 9,8 triệu đồng).

Tương tự, N.G.H (Hà Nội) kể lại câu chuyện bị lừa 870.000 đồng vì nhẹ dạ cả tin. Nghe lời chào mời từ phe vé, H. chuyển số tiền trên để đặt cọc, nhờ đặt vé hộ.

Để xác minh danh tính, H. yêu cầu người bán vé gửi căn cước công dân, số điện thoại và địa chỉ nơi ở. Thế nhưng, ngay khi vừa chuyển khoản, H. mới "tá hỏa" vì không thể liên lạc được với người bán.

Dù các thông tin như tên Facebook, số tài khoản, căn cước công dân của người bán không trùng khớp, H. vẫn cả tin và chuyển khoản. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bằng cách này, hàng trăm vụ lừa đảo đã trót lọt. Người hâm mộ chia sẻ, có những người chụp cả ảnh chân dung, bằng lái xe hay cả sổ hộ khẩu vẫn có thể là lừa đảo.

Không chỉ người mua bị lừa, người bán cũng dễ mắc bẫy vì tâm lý lo lắng, muốn đẩy vé đi càng sớm càng tốt.

Trên mạng xã hội, những dịch vụ bán vé hộ, kết nối người bán - người mua xuất hiện để "giải cứu" những tấm vé ế ẩm.

Theo đó, nếu muốn được "ghép đôi" với khách hàng, những người sở hữu vé phải trả thêm một khoản chi phí. Lúc này, họ lại rơi vào cảnh tiền mất tật mang vì vừa bị lừa, vừa không bán được vé.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn