MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nghệ sĩ bên bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình. Ảnh: DUY ANH

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký lên tranh: Đáng trách và đáng tiếc

ANH NHÀN LDO | 16/10/2018 07:07

Hình ảnh Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên ký lên mặt trước bức tranh bán đấu giá trong đêm nhạc Tình nhằm gây quỹ ủng hộ 2 diễn viên đang phải điều trị bệnh là Lê Bình, Mai Phương khiến sự việc được đẩy lên “cao trào” khi giới hội họa phản ứng...

Một hành động thiếu tôn trọng nghệ thuật

Trong số các vật phẩm được đấu giá trong đêm nhạc có bức tranh vẽ ngựa của Hứa Thanh Bình - họa sĩ được nhiều người yêu tranh trong và ngoài nước biết đến, đã thu về 200 triệu đồng. Một doanh nhân sau khi mua đấu giá để ủng hộ đã nhờ các nghệ sĩ có mặt ở đêm diễn ký tặng lên bức tranh. Và những tấm ảnh ghi lại việc Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên ký tặng được tung lên mạng đã gây phản ứng mạnh mẽ từ nhiều người, nhiều giới.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, họa sĩ Lương Lưu Biên chia sẻ: “Về mặt pháp luật, việc phá hoại, hay làm gì một tác phẩm khi đã sở hữu nó rồi thì không vi phạm pháp luật. Nhưng hành động bôi, vẽ, ký lên một tác phẩm, lại còn trước công chúng, trên truyền thông là hành động thiếu tôn trọng nghệ thuật, có lẽ các ca sĩ cho là chữ ký của họ quan trọng hơn tác phẩm đó”.

Họa sĩ Lương Lưu Biên cho biết, anh rất buồn, vì ứng xử của các nghệ sĩ một phần mà hơn hết cảm thấy tiếc nuối vì tác phẩm không đến tận tay người biết thưởng thức nghệ thuật: “Tôi nghĩ người mua đó cũng không quan tâm nghệ thuật và không biết thưởng thức tranh, họ hâm mộ các ca sĩ đó và chủ yếu mua tranh để ủng hộ cho từ thiện và muốn có các chữ ký để làm quà lưu niệm. Buồn cho hoạ sĩ Hứa Thanh Bình vì tranh không được trân trọng vì những người không hiểu văn hoá, nghệ thuật.

Chữ ký của bức tranh thường nằm ở các góc tranh, nó cũng là một sự sắp xếp hợp lý theo bố cục bức tranh với kích cỡ vừa đủ nhận thấy. Giá trị bức tranh còn là do tác giả nên chữ ký là quan trọng nên không thể ký tên khác lên được”

Lời xin lỗi chính thức từ Đàm Vĩnh Hưng

Trước thông tin cho rằng các nghệ sĩ ký tranh là vì yêu cầu của người mua tranh, bà Lê Thị Minh Loan - Chánh Văn phòng hội Mỹ thuật TPHCM - cho biết: “Nếu người mua muốn có chữ ký thần tượng thì có thể mua chữ ký hoặc yêu cầu họ ký lên một vật lưu niệm nào khác. Còn việc ký lên tranh là vi phạm bản quyền. Không ai có thể ký lên tác phẩm hội họa ngoại trừ tác giả. Ký lên tranh đồng nghĩa với việc phá hoại tác phẩm nghệ thuật. Hai nghệ sĩ cần có lời xin lỗi công khai tới các tác giả. Một phần vì tôn trọng tác giả và hơn nữa để những người làm văn hóa nói chung hiểu hơn về các ứng xử với các tác phẩm nghệ thuật”.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã gửi lời xin lỗi tới họa sĩ Hứa Thanh Bình. Anh cho biết thời điểm các nghệ sĩ ký tên lên tranh là sau khi buổi đấu giá kết thúc. Người mua tác phẩm chủ động ra phía sau sân khấu xin chụp hình và mong anh chị em nghệ sĩ ký tên vào tranh làm kỷ niệm.

“Xin mạnh dạn thừa nhận chúng tôi là ca sĩ, ko phải là hoạ sĩ hay dân chơi hội hoạ hoặc là những người yêu tranh nên không hiểu biết nhiều về luật chơi nên đã vô tư ký để làm vui lòng vị Mạnh Thường Quân kia và làm phật ý giới hoạ sĩ. Nếu đó là điều cấm kỵ thì tôi xin đại diện anh chị em nghệ sĩ gửi lời xin lỗi đến những người biết chơi tranh, đặc biệt là hoạ sĩ Hứa Thanh Bình. Rất mong chú bỏ qua cho sự vụng dại này...”, Đàm Vĩnh Hưng bộc bạch và cũng không giấu khỏi những bức xúc khi nhận những lời lẽ chỉ trích nặng nề. Bản thân anh coi đây là một bài học kinh nghiệm cho mình cũng như các nghệ sĩ để cùng rút kinh nghiệm.

* Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam:

“Ca sĩ dù nổi tiếng đến mấy cũng không được phép ký tên vào bề mặt tác phẩm nghệ thuật bởi làm như thế là phá hỏng bố cục tác phẩm, không tôn trọng tác giả. Đối với một tác phẩm hội họa, xưa nay chỉ có tác giả mới có quyền được ký. Chữ ký phải phù hợp với bức tranh. Một tác phẩm hội họa đều có thể đẹp lên hay xấu đi vì chữ ký của tác giả. Bởi chữ ký đó không chỉ khẳng định “nguồn gốc” mà còn là một phần bố cục không thể tách rời. Còn việc ai đó tùy tiện ký tên mình đều là hành vi phi nghệ thuật. Nếu có ký thì các nghệ sĩ cũng chỉ nên ký ở mặt sau của bức tranh. Một tác phẩm hội họa không có gì hơn ngoài việc tôn vinh hội họa chứ không phải là sức ảnh hưởng, sự thể hiện của một cá nhân nào đó, dù có là nghệ sĩ nổi tiếng đến cỡ nào.

Kể cả khi đã mua tác phẩm hội họa đó thì người sở hữu chỉ có quyền về mặt tài sản chứ không được can thiệp về mặt nội dung nghệ thuật. Việc ký tên một người không liên quan đến tác phẩm sẽ dẫn đến những hệ lụy về sau như việc nhầm lẫn tác giả của bức tranh”.

* Họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai cố họa sĩ Bùi Xuân Phái:

“Tự ý vẽ đè lên tác phẩm của người khác là không nên và không một ai ngoài chính tác giả của nó có cái quyền đó. Chỉ nên ký tên tác giả và đó là chữ ký duy nhất chỉ nên có đối với một tác phẩm hội họa. Có thể các nghệ sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên chưa ý thức được việc ký tên trên một tác phẩm hội họa sẽ làm thay đổi giá trị và ý nghĩa của bức tranh...” B.ĐÀO (ghi)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn