MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỗi gameshow phát trên đài VTV sẽ có doanh thu cực lớn. Ảnh: Nhà sản xuất

Cách nhà sản xuất, nhà đài ăn chia phần trăm doanh thu ở gameshow

Anh Trang LDO | 14/10/2023 12:10

Tuỳ vào mỗi gameshow mà có cách chia phần trăm khác nhau giữa nhà sản xuất và nhà đài.

Không có công thức chia phần trăm doanh thu

Gameshow là mảnh đất màu mỡ thu hút các nhãn hàng quảng cáo. Mỗi gameshow phát sóng giờ vàng đài VTV có doanh thu lớn.

Tuy nhiên, với mức doanh thu tổng, nhà sản xuất và nhà đài chia phần trăm như thế nào?

Chia sẻ với phóng viên Lao Động ngày 14.10, anh Hiếu Nguyễn (Công ty truyền thông sự kiện Gochick Multi Media) nói: "Theo như tôi biết, mức chia phần trăm doanh thu không cố định. Tuỳ vào chương trình, tuỳ vào bên sản xuất chương trình và nhà đài mà có mức giá khác nhau.

Tuy nhiên, cách chia phần trăm được áp dụng nhiều nhất từ nhà sản xuất - nhà đài sẽ là 30/70 hoặc 40/60".

Theo anh Hiếu Nguyễn, doanh thu của các gameshow nằm ở các quảng cáo trước và trong chương trình khi phát sóng.

Cụ thể, với chương trình Vietnam Idol đang chiếu sóng VTV3, đơn giá quảng cáo cho 30 giây sẽ khoảng 136 triệu đồng. Như vậy, nếu quảng cáo 4 phút, sẽ có doanh thu khoảng hơn 1 tỉ đồng mỗi tập.

Nếu phát sóng 10 tập sẽ có doanh thu khoảng 10 tỉ đồng.

Khoảng năm 2018 được nhận xét là thời hoàng kim của gameshow, các nhãn hàng chi rất nhiều tiền để xuất hiện trong lúc phát sóng gameshow.

Trong chương trình "The Voice", đơn giá phát sóng quảng cáo 30 giây là 220 triệu đồng, tức là 1 phút quảng cáo sẽ có 440 triệu đồng. 4 phút quảng cáo sẽ có doanh thu khoảng hơn 1,8 tỉ đồng mỗi tập. 10 tập phát sóng sẽ có doanh thu khoảng 18 tỉ đồng.

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 22 Luật Quảng cáo năm 2012, thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng.

Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo.

Đối với nội dung quảng cáo, Điều 19 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo, và phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.

Trong đó, mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 5 phút.

Tuy nhiên, ở nhiều chương trình từng có dấu hiệu vi phạm khi quảng cáo quá giờ cho phép.

Gameshow có doanh thu vài chục tỉ mỗi mùa. Ảnh: Ban tổ chức

Không có doanh thu từ nhà tài trợ

Những quảng cáo do nhà sản xuất cài gắm trong chương trình không có doanh thu. Đó là phần trả tài trợ cho các nhà tài trợ.

Anh Hiếu Nguyễn nêu ví dụ, trong chương trình Vietnam Idol, trên bàn của giám khảo sẽ có một loại nước uống của một nhãn hàng, là phần trả tài trợ.

Ngược lại, nhà tài trợ là người bỏ tiền để sản xuất gameshow.

Anh cho biết thêm, về phần nhà tài trợ, sẽ có nhiều gói tài trợ khác nhau: tài trợ kim cương, tài trợ vàng, tài trợ bạc, tài trợ truyền thông.

Tuỳ theo gói tài trợ mà nhà sản xuất sẽ thiết kế phần trả tài trợ khác nhau.

Với số tiền tài trợ khoảng 3 tỉ đồng, sản phẩm của nhãn hàng sẽ xuất hiện xuyên suốt trong chương trình, hình ảnh của nhãn hàng sẽ xuất hiện ở banner quảng cáo ở sân bay, thang máy, được nghệ sĩ sử dụng...

Theo đánh giá của anh Hiếu Nguyễn: "Sau khi bị ảnh hưởng từ dịch cùng với suy thoái kinh tế, việc các nhãn hàng chi tiền cho quảng cáo cắt giảm nhiều. Vì thế, doanh thu của gameshow hiện tại cũng có phần suy giảm.

Ngoài ra, hiện nay, có rất nhiều cách quảng bá nhãn hàng từ các nền tảng mạng xã hội và sự lớn mạnh cho phân khúc bán lẻ ở kênh Tiktok hoặc nhờ những gương mặt nổi tiếng quảng bá... chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều mà mở rộng được đối tượng khách hàng".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn