MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kim Soo Hyun được cho là nhận 300 triệu won/tập phim "Queen of Tears". Ảnh: Naver

Cát-xê cao ngất ngưởng của Kim Soo Hyun và sự biến động trong ngành công nghiệp phim Hàn

DƯƠNG HƯƠNG LDO | 31/03/2024 11:02

Các ngôi sao hạng A như Kim Soo Hyun nhận mức cát-xê lên đến hàng trăm triệu won mỗi tập phim, có phải là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái của ngành công nghiệp nội dung Hàn Quốc, điển hình là ngành phim truyền hình?

Theo tạp chí văn hoá Ize, hiện đang có những đồn đoán về mức thù lao của nam diễn viên Kim Soo Hyun trong bộ phim truyền hình “Queen of Tears". Cát-xê chính thức của Kim Soo Hyun là bao nhiêu rất khó xác nhận, do những điều khoản bảo mật của hợp đồng, nhưng những con số được đưa ra như “800 triệu won/tập", hay “300 triệu won/tập" đều khiến nhiều người choáng váng.

“Đi xa hơn, một số ý kiến cho rằng mức lương cao của các diễn viên đang gây ra lạm phát trên thị trường K-content (nội dung Hàn Quốc) và phá hủy ngành công nghiệp này. Thực tế có phải như vậy không?”, Ize đặt câu hỏi.

Ngôi sao hạng A nhận cát-xê “khủng" do quy luật cung - cầu

Đầu năm nay, Hiệp hội các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng trong ngành phim truyền hình và cách giải quyết.

Tại sự kiện này, một số người tham dự bày tỏ bất bình khi diễn viên chính hiện nhận thù lao lên đến hàng tỉ won cho một tác phẩm. Cuối cùng, do các diễn viên nhận cát-xê "khủng" nên chi phí sản xuất tăng đáng kể, và các công ty sản xuất phàn nàn rằng họ khó trang trải được.

Tuy nhiên, theo IZE, “tuyên bố này nửa đúng, nửa sai".

Đúng là lương của diễn viên đã gia tăng. Nhưng rất khó để tìm ra mối quan hệ nhân quả trực tiếp với việc các công ty sản xuất đang gặp khó khăn.

Điều này là do, quyết định tuyển chọn diễn viên phụ thuộc vào sự lựa chọn của các công ty sản xuất. Nếu cho rằng các ngôi sao hạng A đang yêu cầu khoản thù lao vô lý, thì bạn có thể không mời họ nhận vai. Và nếu nhà sản xuất chọn một diễn viên phù hợp với kinh phí đã chuẩn bị từ trước thì sẽ không xảy ra vấn đề gì. Nhưng tại sao lại than thở khó khăn?

Một số diễn viên luôn là gương mặt được các nhà đầu tư cân nhắc đầu tiên. Ảnh: Naver

Điều này tuân theo đúng quy luật cung cầu. Chỉ có số lượng hạn chế các diễn viên nhận được sự chú ý tại bất kỳ thời điểm nào. Ngày nay, đó là Kim Soo Hyun, Park Bo Gum, Lee Min Ho, Cha Eun Woo...

Nếu họ xuất hiện, các đài truyền hình trong nước có thể bán bản quyền phim cho nền tảng OTT (dịch vụ phát trực tuyến) với số tiền lớn. Cát-xê của họ cao, song nhà sản xuất có khả năng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.

Mặc dù thị trường K-content đang suy thoái, nhưng tại sao lương của một số ngôi sao hàng đầu vẫn ổn định?

Khi số lượng sản phẩm giảm, nhà đầu tư sẽ nhắm đến các diễn viên, biên kịch có xác suất thành công cao nhất. Vì họ được lựa chọn thường xuyên nên không có lý do gì để giảm giá.

Gần đây, các diễn viên như Lee Jang Woo, Kim Ji Seok, Oh Yoon Ah đều bày tỏ lo lắng vì không có việc làm.

Ize nhận định, việc cho rằng các sao hạng A nhận cát-xê cao khiến thị trường K-content khủng hoảng là vô lý.

Bởi có rất nhiều diễn viên muốn làm việc trong ngành này, nhưng các hãng sản xuất chỉ muốn sử dụng diễn viên đắt giá với chi phí rẻ hơn mà thôi.

Nhiều diễn viên Hàn lo lắng vì thất nghiệp. Ảnh: Naver

Lý do thị trường K-content, K-drama gặp khó

Chi phí sản xuất tăng mạnh không chỉ đơn giản là vì tiền lương của diễn viên chính.

Với việc thực hiện tuần làm việc 52 giờ, lương lao động của nhân viên đã tăng vọt. Ngoài ra, khi chi phí sử dụng các thiết bị ngày càng tăng, một bộ phim từng có kinh phí 500 triệu won mỗi tập 10 năm trước, giờ đây có thể đã tăng lên 1 tỉ won.

Trong thời đại dịch, một thị trường mới mang tên OTT đã mở ra, cho phép các tác phẩm đến với công chúng. Nhưng hiện nay, OTT cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái, do người dùng thắt chặt chi tiêu.

Ngoài ra, với sự phổ biến của Netflix và các nền tảng OTT, nhu cầu toàn cầu về K-content tăng lên, dẫn đến đầu tư quá nhiều. Kết quả là có hàng loạt tác phẩm kém chất lượng ra đời khiến công chúng thất vọng.

Về lâu dài, đây sẽ là một chặng đường đầy thử thách cần phải vượt qua, để nâng cao chất lượng của thị trường K-content và K-drama (phim truyền hình).

Các công ty phát thanh truyền hình cũng đang giảm dần số lượng phim. Có 141 tác phẩm được phát hành thông qua mỗi đài truyền hình và OTT vào năm 2022. Năm ngoái, con số này giảm xuống còn 123. Và năm nay, dự kiến ​​sẽ chỉ ở mức 100.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn