MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngọc Trinh tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp

Câu hỏi đặt ra về trách nhiệm liên đới vụ Ngọc Trinh bị bắt tạm giam

Huyền Chi LDO | 22/10/2023 09:30

Vụ việc Ngọc Trinh bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Chiều 19.10, Công an TPHCM bắt tạm giam Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu) và Trần Xuân Đông 3 tháng về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Trước đó, Ngọc Trinh đăng tải loạt video điều khiển xe môtô phân khối lớn với các động tác nguy hiểm, phản cảm như nằm, quỳ gối trên yên xe, thả 2 tay khi xe đang chạy…

Ngọc Trinh đăng tổng cộng 5 video lên tài khoản Tik Tok, Facebook và nhận tổng cộng hơn 163 triệu lượt tương tác. Theo cơ quan điều tra, việc đăng tải, phát tán nội dung trên đã ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ...

Trao đổi với phóng viên Lao Động, luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật Hừng Đông) khẳng định việc những video phản cảm của Ngọc Trinh không được gỡ bỏ sớm gây ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng.

"Đầu tiên, tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về những người sử dụng mạng xã hội, trong đó có Ngọc Trinh. Họ không được lan truyền, đăng tải những nội dung trái quy định của pháp luật, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, có yếu tố độc hại, ảnh hưởng đến người xem. Thứ hai, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý, cần phát hiện, lập biên bản, có biện pháp xử lý bổ sung, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm.

Trong vụ việc của Ngọc Trinh, khó để xác định trách nhiệm quản lý nghệ sĩ. Ngọc Trinh không thuộc biên chế của tổ chức biểu diễn nghệ thuật nào, cô ấy chỉ là một người nổi tiếng trên mạng. Các cơ quan nhà nước cần hoàn thiện các quy định, phát hiện các cá nhân đăng tải những nội dung tiêu cực, tiêm nhiễm thói xấu, định hướng dư luận, sau đó triệu tập và xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Nguyễn Hữu Toại cho biết.

Ngọc Trinh nghe đọc lệnh tạm giam. Ảnh: Công an cung cấp

Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Hữu Toại chia sẻ, vụ việc của Ngọc Trinh hiện tại có nhiều câu hỏi để ngỏ.

Trong đó có câu hỏi trách nhiệm quản lý về nội dung đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội khi có video cổ suý cho vi phạm pháp luật.

Theo luật sư, “Gây rối trật tự công cộng” được hiểu là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thậm chí có thể gây ra thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Hiện tại, có nhiều câu hỏi đặt ra về khu vực mà Ngọc Trinh điều khiển môtô do ai quản lý, có được tính là khu vực đông người không. Vì vậy còn nhiều luồng ý kiến khác nhau về mặt pháp lý.

Các cơ quan tiến hành tố tụng TPHCM cho rằng hành vi của Ngọc Trinh đủ yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM nhận thấy Trần Thị Ngọc Trinh chưa có bằng lái xe A2 nhưng vẫn cùng với Trần Xuân Đông tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển xe môtô phân khối lớn.

Đồng thời, Ngọc Trinh lưu thông biểu diễn trên tuyến đường đã được sử dụng công cộng thuộc địa bàn phường Thủ Thiêm và phường Tăng Nhơn Phú B (TP Thủ Đức); gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn