MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nghệ sĩ giàu kinh nghiệm góp mặt trong "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng". Ảnh: Nhà sản xuất

"Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" gây sốt vẫn bị chê không bằng bản gốc

Huyền Chi LDO | 05/11/2023 13:21

30 “chị đẹp" của giới giải trí Việt quy tụ được kì vọng sẽ tạo nên một gameshow bùng nổ. Đến tập 2, show vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Nội dung lê thê, nhiều "sạn"

"Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" đã lên sóng tập 2, lần lượt hé lộ các phần trình diễn cá nhân của 30 chị đẹp. Chương trình này dựa trên bản gốc "Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng" của Trung Quốc.

Sau nửa ngày lên sóng, tập 2 thu về hơn 500.000 lượt xem, còn tập 1 đã vượt mốc 4,1 triệu lượt xem trên YouTube sau 1 tuần.

Tuy có thành tích khả quan, show vẫn vướng tranh cãi trong tập 2 vì số điểm dành cho 14 phần trình diễn của dàn sao nữ. Khi công chiếu trực tiếp trên YouTube, phần chấm điểm của 3 vị cố vấn liên tục bị người xem phản ứng.

"Chỉ có sao gạo gội mới được 88 điểm à?", "Cố vấn chấm điểm kì cục thế, mà còn không giải thích vì sao cho điểm như vậy", "Nhiều người chơi nhạc cụ, rap, hát, nhảy mà điểm đội sổ", là những bình luận liên tục xuất hiện.

Việc sắp xếp tiết mục lên sóng thiếu hợp lý cũng khiến thời lượng lên sóng của 30 người đẹp bị ảnh hưởng. Tập 1 chỉ có 5 chị đẹp trình diễn nhưng tập 2 nhồi nhét tận 14 tiết mục.

Vì vậy, phần đánh giá của cố vấn, phỏng vấn riêng của từng nghệ sĩ chỉ như cưỡi ngựa xem hoa. Những phần tung hứng, tương tác giữa các chị đẹp được cài cắm nhưng bị chê nhạt, biên tập khiên cưỡng.

Bối cảnh các tiết mục đơn giản, gây nhàm chán. Các phần thi đều không có vũ công hỗ trợ, không tận dụng hiệu ứng ánh sáng, hầu như để sân khấu le lói vài ánh đèn.

Lynk Lee giao lưu với các đồng nghiệp tham gia chương trình. Cô được các chị em chào đón và niềm nở trò chuyện. Ảnh: Nhà sản xuất

Thấy gì từ bản gốc gây tiếng vang?

Kể từ khi ra mắt vào năm 2020, “Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng” (Sisters Who Make Waves) đã trở thành một trong những chương trình truyền hình thực tế được đánh giá cao nhất ở Trung Quốc.

“Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng” đi theo công thức chung của các chương trình thực tế dành cho nhóm nhạc thần tượng như “Produce 101” hay “Idol Producer”, nhưng với điểm khác biệt là những "thí sinh" đều là người nổi tiếng nổi tiếng, độ tuổi 30 trở lên.

Sau cơn sốt mùa 1, thông báo về danh sách các sao nữ ghi danh tham gia mùa 2 thu hút hơn 230 triệu lượt xem trên Weibo chỉ sau 8 giờ đăng tải.

Tờ Sixth Tone đánh giá: "Ngành công nghiệp giải trí nổi tiếng khắc nghiệt, nhưng chương trình này cho chúng ta thấy rằng những ngôi sao có một cơ hội khác, họ gần như được hồi sinh và điều đó thật truyền cảm hứng.

Nhà sản xuất có dụng ý khi phá bỏ khuôn mẫu để làm nổi bật sức hút, bản lĩnh và sự tự tin của những ngôi sao dày dặn kinh nghiệm".

Trong khi đó, Phó giáo sư Wu Changchang của Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc nhận xét: "Đặc biệt, chương trình này nhắc nhở người xem rằng chỉ vì một người phụ nữ bước sang tuổi 30 không có nghĩa là cuộc đời cô ấy đã kết thúc".

Ông chia các ngôi sao góp mặt trong "Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng" thành 2 nhóm riêng biệt.

Nhóm đầu tiên, bao gồm những sao nữ đầy tự tin, thậm chí có người bộc lộ sự kiêu ngạo. Những người này có nhiều năm kinh nghiệm, sự nghiệp thành công. Họ không tranh tài để giành suất ra mắt mà muốn khám phá sự mới lạ, và rồi sẵn sàng phá luật, thách thức ban giám khảo.

Nhóm thứ hai được cho là nhóm hiền lành hơn. Phần lớn các ngôi sao trong nhóm này đã qua thời nổi tiếng hoặc không tìm được con đường phù hợp để hoạt động showbiz. Họ sẵn sàng làm mọi thứ để lọt top ra mắt bởi đây có thể là cơ hội cuối để họ vực dậy sự nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn