MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn viên Chi Pu gây tranh cãi vì phát ngôn gây sốc và hát live chênh phô.

Chớ kêu gọi cấp thẻ hành nghề ca sĩ trở lại

MINH THI LDO | 24/11/2017 10:34
Chỉ vì một vài ca sĩ hát dở mà lên tiếng đòi cấp giấp phép hành nghề trở lại đối với nghệ sĩ thì quả là điều vô lý! Bởi lẽ, từ nhiều năm trước, dự án cấp phép hành nghề này đã bị “phá sản” thảm hại vì quá nhiều điều bất cập.

Khán giả có quyền lựa chọn

Mấy ngày qua, vụ việc diễn viên Chi Pu “tuyên chiến” với làng giải trí khi phát ngôn “cầm mic lên là thành ca sĩ”, cũng như can đảm hát live trên sóng truyền hình dù giọng hát phô, chênh, rớt nhịp… khiến tên tuổi của cô được nhắc đến nhiều hơn.

Xem xong những đoạn clip trình diễn của Chi Pu, những giọng hát như Thu Minh, Tóc Tiên, Văn Mai Hương, Hương Tràm… đều phản ứng gay gắt trước khả năng của cô. Thậm chí, Văn Mai Hương còn thẳng thừng chia sẻ: “Không thể gọi Chi Pu là ca sĩ đồng nghiệp được”. Trong khi đó, fan của Chi Pu lại đe dọa Văn Mai Hương bằng những lời lẽ tục tĩu, khó nghe.

Tranh cãi lại càng nổ bùng gay gắt khi trong buổi ra mắt album của một ca sĩ, không ít ca sĩ phía Bắc kêu gọi đồng nghiệp bỏ phiếu để gửi lên Cục Nghệ thuật biểu diễn xem xét ra quyết định đình chỉ biểu diễn với Chi Pu cũng như kiến nghị Bộ VHTTDL cấp giấy phép hành nghề ca sĩ... nhằm thanh lọc ca sĩ không đủ tố chất. Tuy nhiên, quan điểm này bị nhiều ca sĩ khác phản ứng vì cho rằng làm vậy đã đi quá giới hạn cũng như ngăn cản ước mơ và đam mê của người khác.

Ở đây, có thể thấy thái độ của các nghệ sĩ trước đàn em mới vào nghề: Người chừng mực, kẻ gay gắt phê phán. Nhưng nếu Chi Pu không vi phạm pháp luật, không làm ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, thì chẳng có lý do gì để cấm cản cô đi hát cả. Quan trọng là khán giả có chấp nhận cô không? có sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé xem cô hát hay không? Hoặc khi làn sóng yêu thương của fan hâm mộ qua đi, người nghe sẽ bình tĩnh trở lại để xem họ có nên thưởng thức giọng ca “khó nuốt” kiểu như thế nữa không?

Trước những ồn ào về vụ việc, nhà quản lý cũng đã lên tiếng. Trả lời báo chí, ông Lê Minh Tuấn - Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng: “Việc đình chỉ biểu diễn thì các cơ quan quản lý phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, cụ thể là NĐ 158/NĐ-CP, trong trường hợp này thì chưa đủ cơ sở. Và tôi tin trước những phản hồi của dư luận, khán giả sẽ biết lựa chọn người biểu diễn để ủng hộ, thưởng thức”.

Siết chặt quản lý không từ giấy phép hành nghề

Trước đó, NSND Thanh Hoa cũng đã bày tỏ quan điểm về việc cấp thẻ hội viên. Theo đó, những nghệ sĩ có thẻ của Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam phải là những người có đủ năng lực, phẩm chất để hoạt động biểu diễn trên sân khấu. Bà cũng cho rằng năm 2018, Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn Âm nhạc Việt Nam sẽ cấp thẻ đợt đầu cho các hội viên. Yêu cầu để được cấp thẻ là ca sĩ phải là NSƯT hoặc người hoạt động biểu diễn ca hát lâu năm, nếu các ca sĩ trẻ thì hoạt động ca hát ít nhất từ 7 năm trở lên…

Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Minh Tuấn, việc cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ cần phải có quy định của pháp luật và hiện nay thì không có quy định cấp thẻ hành nghề nên cơ quan quản lý không thực hiện việc này. Hơn nữa, hiện nay với xu thế đơn giản hoá thủ tục hành chính, đề nghị cấp thẻ hành nghề cần phải xem xét thấu đáo và không phải vì một vài cá nhân không đáp ứng được về khả năng, trình độ mà lại đi cấp thẻ hành nghề cho hàng ngàn nghệ sĩ.

Lý do thực sự khiến không ít ca sĩ nổi giận với Chi Pu có lẽ chính là phát ngôn gây sốc của cô. Còn là ca sĩ hay không? phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố, trong đó có khán giả. Dù Chi Pu hát dở, song nếu cô còn đội quân hâm mộ, thì vẫn có người muốn nghe cô hát. Mỗi ca sĩ đều tuân theo quy luật đào thải của thị trường, lên rồi sẽ đi xuống. Nếu chỉ xuất hiện vài đợt để ra MV, album thử sức thì không sao, còn nếu quyết tâm theo nghề, thì phải có chiến lược “vực dậy” giọng hát chênh phô trên nền tảng là giọng hát phải nghe được.

Ở nước ngoài, nghệ sĩ không có giấy phép hành nghề, chỉ có các đơn vị tổ chức, sản xuất chương trình mới cần giấy phép. Bởi nghệ sĩ tự chịu trách nhiệm trước công chúng. Trách nhiệm này quyết định tình cảm, sự yêu mến của khán giả. Còn vấn đề vi phạm trong quá trình biểu diễn, cơ quan tổ chức, sản xuất phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Việc cấp giấy phép hành nghề dành cho nghệ sĩ trước đây từng gây cảm giác họ không được trân trọng cho lắm. Thứ hai, nếu cấp thì phải có hai loại thẻ: Loại dành cho nghệ sĩ được đào tạo bài bản và loại nghệ sĩ không được đào tạo. Vì nhiều nghệ sĩ cải lương hay người mẫu chưa qua trường lớp đào tạo, miễn hát hay, hay đi catwalk giỏi là được. Thứ 3, đây là phạm trù thuộc về tài năng. Một số ca sĩ không học trường lớp nhưng họ vẫn đứng ở hạng top ăn khách thì được cấp loại thẻ nào?

Thẻ hành nghề ca sĩ được cấp từ năm 1999 cho gần 3.000 nghệ sĩ, nhưng chỉ sau 2 năm, tấm thẻ này bị bãi bỏ vì tốn kém, nhiêu khê, chưa kể chuyện nghệ sĩ thành danh phải đi thi, mà người chấm thi có khi là học trò của mình ngồi ở vị trí quản lý. Đến năm 2013, Bộ VHTTDL lại tiếp tục phê duyệt đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, song đến nay mọi việc vẫn chưa ngã ngũ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn