MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“49 ngày” - một phim thị trường của điện ảnh Việt. Ảnh do đoàn phim cung cấp.

Cho phim Việt một danh phận...

VIỆT VĂN LDO | 27/10/2017 14:00

Để đảm bảo điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) có thể phát triển một cách công bằng, phim Việt có thể ra rạp tương đồng với phim ngoại, cũng như rạp Việt có thể cùng cạnh tranh với rạp ngoại, cần giải quyết rất nhiều vấn đề một cách đồng bộ thì mới có thể “giải cứu phim Việt”, cho phim Việt một “danh phận” làm chủ trên sân “nhà”.

Phải nhìn thẳng vào khuyết tật

Chất lượng phim Việt còn nhiều phim dở, ít phim hay. Cho đến nay, điện ảnh Việt Nam chưa có nền công nghiệp sản xuất phim hiện đại, vẫn trong tình trạng lạc hậu, sản xuất manh mún và thiếu chuyên nghiệp trong tất cả các khâu. ĐAVN đang chia thành hai dòng phim nghệ thuật và phim giải trí thương mại. Phim nghệ thuật chiếu rạp không có khán giả, đi tham dự các LHP quốc tế, mang về một số giải thưởng tại các LHP nhỏ, chưa bán được nhiều ra nước ngoài. Phim thương mại thường có doanh thu cao, có phim trên 100 tỉ đồng, nhưng vẫn chưa thể làm nên thương hiệu “phim Việt” có giá.

Hằng năm, có rất nhiều phim ra mắt công chúng, có thời điểm một phim/tuần, nhưng rất hiếm phim thật sự để lại ấn tượng. Về đề tài, thể loại phong phú hơn, nhưng cách khai thác trong các phim không theo bất kỳ một dòng nào rõ nét, các nhà sản xuất chạy theo nhiều thị hiếu khác nhau của nhiều đối tượng khác nhau, cái gì cũng có nhưng không có cái nào “chất”.

Do có quá nhiều phim với nhiều thể loại khác nhau sản xuất trong một năm nên tính cạnh tranh bị đẩy lên quá cao, mức đầu tư cho phim của nhà sản xuất đặt lợi nhuận hàng đầu, nên nhiều phim trở thành “mì ăn liền” rất kém giá.

Nhân sự làm phim yếu và thiếu. Đạo diễn nhiều nhưng người thật sự có tay nghề thì ít. Sự xuất hiện của các đạo diễn Việt kiều cũng như một số đạo diễn trẻ đã tạo luồng gió mới cho thị trường ĐAVN, nhưng rất ít đạo diễn giữ được phong độ khi làm phim tiếp theo, thậm chí có nhiều phim trở thành thảm họa.

Lực lượng biên kịch - sáng tạo nên kịch bản phim, yếu tố quan trọng để đánh giá phim hay thì vừa thiếu vừa yếu, tính sáng tạo thấp, việc “remake” phim ngoại càng làm cho vị trí biên kịch trở nên mờ nhạt. Đặc biệt, chất lượng diễn viên trẻ hiện nay thì rất phập phù, ai cũng có thể làm diễn viên kể cả tay ngang, thậm chí chỉ cần bỏ tiền túi của mình ra là có thể được làm diễn viên phim.

Các nhà sản xuất phim mải chạy theo thị trường, nghĩ cách làm sao để chiều thị hiếu khán giả. Thế nhưng, vừa qua khá nhiều phim thị trường thất bại, nhiều phim không thu hồi được vốn, thậm chí còn lỗ to, bởi việc tìm hiểu và khảo sát thị hiếu khán giả chưa sát.

Cần có những chính sách bảo hộ phim Việt

Nhà nước cần có những chính sách điều chỉnh tỉ lệ đầu tư xây dựng các cụm rạp của doanh nghiệp nước ngoài tại VN; Điều tiết công tác phát hành phim, đặc biệt thực hiện đầu tư xây dựng rạp chiếu phim một cách hợp lý và tính toán hiệu quả theo quy hoạch chiến lược phát triển ngành ĐAVN; Chính sách thuế của Nhà nước cần ưu đãi phim Việt.

Kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Điện ảnh cho phù hợp. Một số điều trong Luật Điện ảnh vẫn chưa cụ thể, rõ ràng, chưa bảo hộ cho nhà sản xuất phim Việt. Nội dung phim còn bị giới hạn, bị kiểm duyệt, không được tự do sáng tạo... Về vấn đề phát hành phim và thỏa thuận tỉ lệ ăn chia đối với phim Việt cần sự công bằng, Bộ Tài chính nên có hành lang pháp lý để quy định khung giá vé xem phim, chống hình thức phá giá vé.

Cục Điện ảnh soạn thảo thành lập Quỹ “Hỗ trợ phát triển điện ảnh” từ năm 2010, Bộ VHTTDL đã hai lần trình Thủ tướng xem xét nhưng chưa thành lập được vì chưa xác định được nguồn vốn. Nếu không có nguồn vốn ổn định thì khó duy trì quỹ. Bộ cũng từng đề xuất trích 3% từ giá vé xem phim cho quỹ này nhưng không được chấp thuận vì các doanh nghiệp đã nộp thuế và vé xem phim cũng đã có đóng thuế, khó thu thêm. Hiện tại, quỹ này vẫn chỉ có thể ở tình trạng chờ…

Hiện mức độ đầu tư của Nhà nước vào thị trường phim ảnh nội địa chỉ có 3 triệu USD/năm (tương đương 64 tỉ đồng), nên hiệu quả rất thấp. Nhìn sang nước ngoài có thể học tập họ. Như ở Đan Mạch có các quỹ hỗ trợ điện ảnh, chia ra hai loại hình: Hỗ trợ phim mang tính nghệ thuật và phim đáp ứng nhu cầu của khán giả. Mỗi năm, Viện phim Thụy Điển hỗ trợ khoảng 20 phim truyện, 25 phim tài liệu, 15 phim tài năng, 25% ngân sách tài trợ dành cho phim trẻ em và thanh niên.

Hàn Quốc có Quỹ điện ảnh thuộc Ủy ban Chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) để hỗ trợ từ khâu sản xuất đến phát hành đủ thể loại phim, quy mô từ 20-30 triệu USD. Trong đó, nguồn ngân sách là 10 triệu USD, các nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài góp vào 10-20 triệu USD.

Vẫn là slogan “Người Việt dùng hàng Việt”, nên có những chiến lược tạo thói quen, sở thích để mọi người đến rạp xem phim Việt. Vấn đề là khán giả trẻ - chiếm đa phần của các rạp - được tiếp cận với điện ảnh nước ngoài nhiều, tự thân họ đã được nâng cao về kiến thức điện ảnh. Thế nên, nếu chất lượng phim không tốt, đầu tư và đưa ra một sản phẩm kém chất lượng, khán giả sẽ tẩy chay phim.

Và sau cùng, rất cần có sự hỗ trợ đồng hành giữa các nhà sản xuất phim ĐAVN và phát hành phim, để phim Việt ra rạp trong vị thế “chủ nhà” không bị chèn ép hay lạnh nhạt.

Nếu các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp, đồng thời các DN điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) trong nước không cùng nhau hợp lực và hành động mạnh mẽ thì có thể chỉ trong thời gian ngắn tới đây ĐAVN sẽ trở thành “khách” ngay trong chính “nhà” mình, nền công nghiệp ĐAVN sẽ bị nước ngoài lũng đoạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn