MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BTS tại lễ trao giải American Music Award. Ảnh: Big Hit

Có BTS, Blackpink, Hàn Quốc vẫn thiếu một lễ trao giải âm nhạc xứng tầm

Huyền Chi LDO | 08/02/2023 12:41
Giới giải trí Hàn Quốc mong muốn có một lễ trao giải tầm cỡ, uy tín như Grammy. Thế nhưng, họ vẫn chưa thể hiện thực hóa ước mơ này dù BTS, Blackpink đã đưa K-pop vươn ra toàn cầu.

Lễ trao giải thiếu minh bạch, chạy theo lợi nhuận

Theo Korea Times, nhiều lễ trao giải âm nhạc được tổ chức thường niên với hy vọng sẽ trở thành giải "Grammy của Hàn Quốc". Mục tiêu của giới giải trí Hàn là tiếp nối sự thành công của những lễ trao giải hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, chưa có lễ trao giải âm nhạc nào ở Hàn Quốc đáp ứng được kì vọng này.

Nhiều sự kiện như Mnet Asia Music Awards (MAMA), Melon Music Awards (MMA), Golden Disk Awards (GDA), Korea Music Awards (KMA) đã cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng bằng cách mời hàng loạt ngôi sao K-pop để thu hút khán giả.

Trên thực tế, những lễ trao giải của Hàn Quốc vẫn bị chỉ trích vì chỉ hào nhoáng về mặt hình thức và thiếu minh bạch trong khâu thẩm định, lựa chọn nghệ sĩ chiến thắng ở các hạng mục.

Trước đây, MBC, KBS và SBS - 3 đài truyền hình mặt đất lớn nhất ở Hàn Quốc - từng có giải thưởng âm nhạc cuối năm riêng. Nhưng vì các tranh cãi và nghi vấn gian lận, 3 nhà đài đều đã hủy tổ chức lễ trao giải riêng.

Nhà phê bình âm nhạc Jung Min-jae cho rằng, các lễ trao giải ở Hàn Quốc chủ yếu hướng đến mục đích thương mại: "Ngay cả những giải thưởng uy tín nhất thế giới như Grammy hay Billboard Music Awards chỉ gói gọn trong 1 ngày, nhưng nhiều giải thưởng ở Hàn Quốc diễn ra trong tận 2 ngày.

Ngày đầu tiên thường vinh danh những nghệ sĩ có thành tích cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc, còn ngày thứ 2 vinh danh những ca sĩ có doanh số bán album cao. Nhưng ý nghĩa của sự phân chia này là gì? Trong mắt tôi, có vẻ như mục tiêu cuối cùng của các đơn vị tổ chức là bán được nhiều vé và thu về nhiều lợi nhuận hơn".

Do đó, tổ chức một lễ trao giải âm nhạc có thể mang lại nguồn lợi khổng lồ vì đơn vị tổ chức thường không cần trả cát-xê cho nghệ sĩ mà vẫn có thể kiếm lời bằng cách bán vé cho khán giả và kêu gọi tài trợ.

Các lễ trao giải được tổ chức ở những thị trường lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... giúp đơn vị tổ chức thu về khoản lợi nhuận khổng lồ. Ảnh: Ban tổ chức

"Bội thực" Daesang

Các chuyên gia nhận định, phần lớn các giải thưởng của Hàn Quốc không có tiêu chí rõ ràng để chọn ra người chiến thắng.

Giải Grammy có hội đồng chấm giải đến từ Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia Mỹ, BMA dựa trên bảng xếp hạng Billboard uy tín. Còn ở Hàn Quốc, các giải thưởng chưa có tiêu chí rõ ràng, lẫn lộn giữa đánh giá của hội đồng phê bình và thành tích nhạc số trực tuyến. 

Ngoài ra, nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon-sik cho rằng, các giải thưởng âm nhạc cũng thiếu sự đa dạng: "Chúng ta khó có thể tìm thấy một lễ trao giải bao gồm tất cả các thể loại âm nhạc và ca sĩ ở mọi thế hệ".

Các dòng nhạc trot, indie, hip hop... thường bị "lãng quên" dù sức ảnh hưởng không hề nhỏ. Thay vào đó, các giải thưởng như MAMA, MMA trở thành "đại tiệc âm nhạc" cuối năm dành cho những nhóm nhạc thần tượng.

Tính đến thời điểm hiện tại, các giải thưởng vẫn bị đánh giá là "thiếu uy tín", ngay cả khi tiêu chí chấm giải dựa trên những dữ liệu công khai.

Bên cạnh đó, số lượng giải tăng lên qua từng năm, bao gồm cả Daesang (giải thưởng cao quý nhất của 1 lễ trao giải) và giải phụ, cũng khiến các lễ trao giải mất đi sức cạnh tranh vốn có.

Từ 1 Daesang, AAA bất ngờ trao tận 4 Daesang từ năm 2019. Tiếp đến, các lễ trao giải khác cũng dần nâng số lượng Daesang, thậm chí xuất hiện cả Daesang do... người hâm mộ bình chọn. Theo Korea Boo, trung bình các lễ trao giải ở Hàn Quốc có từ 3 đến 4 Daesang.

Công chúng gọi đây là tình trạng "bội thực" Daesang trong ngành công nghiệp giải trí.

Một số lễ trao giải còn lộ rõ quy định "điểm danh", tức nghệ sĩ nào đến dự mới có giải. Đơn cử, AAA 2019 từng khiến dư luận dậy sóng khi để BTS - với vô số thành tích và kỉ lục - trắng tay.

Đó là lí do các chuyên gia trả lời phỏng vấn của tờ Korea Times đều khẳng định nền công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc cần một lễ trao giải uy tín và công bằng với tất cả nghệ sĩ đến từ mọi thể loại.

Nhà phê bình Jung Min-jae nói thêm: "Trong vài năm qua, nền âm nhạc Hàn Quốc tập trung vào việc tăng cường sự phổ biến trên toàn cầu. Vì vậy, tôi tin rằng bây giờ là lúc để chúng ta ghi lại những dấu mốc lịch sử và xây dựng di sản của mình bằng một lễ trao giải tầm cỡ".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn