MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Labubu tạo cơn sốt với giới trẻ. Ảnh: Instagram

Cơn sốt tiền tỉ Labubu - thời thượng và tốn kém

Huyền Chi LDO | 24/08/2024 16:05

Nhân vật Labubu bỗng tạo nên một trào lưu trong giới trẻ, vượt xa công dụng của một món đồ chơi nghệ thuật trưng bày.

Những tháng qua, Labubu trở thành nhân vật được giới trẻ săn đón, là từ khóa nóng được tìm kiếm trên mạng xã hội.

Sau một bức hình Lisa (Blackpink) "đập hộp" bộ sưu tập nhân vật Labubu, những vật phẩm liên quan đến chú thỏ này nhanh chóng "cháy hàng".

Theo The Nation Thailand, toàn bộ hàng hóa liên quan đến Labubu trên website liên tục hết hàng, người mua chỉ có thể mua nhượng lại từ các hội nhóm hoặc tìm đồ cũ.

Ở Việt Nam, các hội nhóm trao đổi, mua bán Labubu có hơn 80.000 thành viên, hoạt động sôi nổi mỗi ngày.

Trong đó, những phiên bản giới hạn như Vans, Catch me, Love me, Time to Chill... còn được bán với hình thức đấu giá, với khởi điểm là hàng triệu đồng.

Một số mô hình lẻ cũng có giá 300.000 - 1.000.000 đồng tùy phiên bản và năm ra mắt. Không chỉ mô hình nhựa đắt hàng, các vật phẩm như gấu bông, móc khóa Labubu cũng được ưa chuộng.

Lisa, Rosé và nhiều ngôi sao nổi tiếng sử dụng móc khóa Labubu làm phụ kiện treo túi xách cũng khiến công dụng của những món đồ chơi này đa dạng, hấp dẫn giới trẻ hơn.

Trước cơn sốt "tiền tỉ" mà Labubu mang lại, tranh cãi về công dụng, giá trị, chi phí của những món đồ chơi nghệ thuật (art toy) cũng được bàn luận sôi nổi.

Trong khi nhiều bạn trẻ "phát cuồng" vì Labubu, có ý kiến cho rằng đây là một thú chơi tốn kém, không mang lại nhiều giá trị và có tính phong trào.

Labubu tạo cơn sốt sau khi Lisa đăng tải trên trang cá nhân. Ảnh: Instagram

Đồ chơi nghệ thuật, hay còn được gọi là đồ chơi thiết kế, có nguồn gốc từ những năm 1990 tại Hồng Kông (Trung Quốc). Được tạo ra bởi các nghệ sĩ, những món đồ chơi này được sản xuất với số lượng hạn chế, khiến giá bán của chúng tăng vọt.

Sự hấp dẫn của đồ chơi nghệ thuật ngày càng tăng, được nhiều người coi là một hình thức nghệ thuật. Các công ty, trong đó điển hình là Pop Mart, ra đời và liên tục cải tiến thiết kế, tung các bộ sưu tập đẹp mắt.

Bước ngoặt của dòng đồ chơi này là sự xuất hiện của hộp mù (blind box). Những chiếc hộp mù sẽ được bọc nhiều lớp, và người chơi sẽ không biết họ chọn được mô hình nào cho đến khi mở ra.

Một bộ sưu tập thường có 12 mẫu, nếu mua lẻ, người mua sẽ chọn các hộp mù bất kì để sở hữu các món đồ chơi một cách ngẫu nhiên.

Từ nền tảng đó, một hình thức khác ra đời mang tên "secret" - mô hình bí mật. Món hàng bí mật được thiết kế với màu sắc và hình dáng khác hẳn, với cơ hội trúng ngẫu nhiên chỉ khoảng 0,52%, luôn là mẫu rất hiếm và được nhiều người săn đón.

Truớc Labubu, "hiện tượng" art toy gọi tên Be@rbrick. Ban đầu, Be@rbrick được tạo ra như một linh vật kỉ niệm Hội nghị Nhân vật Thế giới năm 2001, sau đó trở thành món đồ chơi đắt đỏ được giới sưu tầm săn lùng.

Mỗi năm, hai bộ sưu tập Be@rbrick mới được ra mắt, hợp tác với những nhân vật nổi tiếng hoặc các thương hiệu xa xỉ.

Những chú gấu nhựa được săn đón đến mức có mức giá "trên trời". Tại Thái Lan, mẫu Be@rbrick đắt nhất là Yue Minjun 'Qiu Tu' 1000%, được bán đấu giá 181 triệu baht (131 tỉ đồng).

Ông Wang Ning, CEO của Pop Mart, từng nói: "Đồ chơi nghệ thuật không phải là mô hình dành cho trẻ nhỏ, mà là món đồ sưu tầm".

Mức chi phí để sở hữu một art toy hiếm và độ tinh xảo, tỉ mỉ của chúng cho thấy những mô hình đồ chơi này có thể sánh ngang những món đồ sưu tầm xa xỉ khác như đồng hồ, túi xách, giày...

Theo Grit Daily, những món đồ chơi này thoát khỏi các phòng trưng bày truyền thống, khiến chúng dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn đối với thế hệ "nhà sưu tầm" trẻ tuổi.

Sức hút thương mại và quảng bá văn hóa của hiện tượng sưu tầm này đã cho thấy tiềm năng lớn của đồ chơi nghệ thuật, khi đồ chơi trở thành thú vui của người lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn