MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình Táo quân 2018. Nguồn ảnh: kenh14.vn

Cộng đồng chuyển giới cần được tôn trọng đúng mức

VIỆT VĂN LDO | 27/02/2018 09:42
Dư luận đang có nhiều ý kiến về chương trình Táo quân phát Tết Mậu Tuất vừa qua, nhất là những người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) cho rằng chương trình đã xúc phạm người chuyển giới.

Thậm chí có ý kiến cực đoan đề nghị dừng chương trình. Có thể những người làm chương trình không có ý xúc phạm nhưng rõ ràng hình ảnh người chuyển giới chưa được phản ánh chân xác và thực sự tôn trọng.

Mà không chỉ ở chương trình Táo quân, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ở ta hiếm khi xây dựng nhân vật trong cộng đồng LGBT chân thực, sinh động.

Không chỉ năm nay và không chỉ Táo quân

Mà ở chương trình Táo quân vài năm trước, nhân vật cô Đẩu (do nghệ sĩ Công Lý thủ vai) đã bị một số ý kiến của khán giả “khó tính” chê trách, khi hình ảnh người chuyển giới hiện lên chỉ mang nét đanh đá, chua ngoa, chọc cười mà chả làm nên trò trống gì. Và năm nay, câu chuyện nặng nề hơn khi ca sĩ Lâm Chi Khanh, và hoa khôi chuyển giới La Lam cho rằng họ không chỉ thất vọng với nhân vật cô Đẩu (Bắc Đẩu) mà ngay cả các nhân vật khác trong Táo quân 2018 cũng nói về người giới tính thứ 3 một cách coi thường, miệt thị gây cảm giác nặng nề, phản cảm.

Dĩ nhiên, đạo diễn và những người làm Táo quân 2018 chỉ muốn chương trình gây cười, hấp dẫn tối 30 tết nhưng rõ ràng sự chưa ý thức và tìm hiểu cặn kẽ về cuộc sống tinh thần của những người thuộc cộng đồng LGBT đã khiến chương trình bị phản ứng không đáng có.

Nhìn sang lĩnh vực văn học nghệ thuật, cũng có thể nói rất hiếm các tác phẩm ở ta phản ảnh người chuyển giới, người đồng tính một cách chân thực và nhân văn.

Có thể dẫn ra một số phim thị trường của đạo diễn có “số má” Charlie Nguyễn như “Cưới ngay kẻo lỡ”, “Để Mai tính 2”… nhân vật đồng tính luôn bị đem ra chọc cười nhiều khi rất cơ học và thiếu tính nhân văn. Trong đó, nam diễn viên hài Thái Hòa hay đóng vai người đồng tính ở nhiều cảnh phim cũng nặng về lối diễn xuất hình thể, nhiều khi không tiết chế được bản thân, thành lố lăng, kệch cỡm.

Hoặc giả ở một số phim Việt khác, người chuyển giới thành ra đáng thương, chả làm nên công cán gì, chỉ mang lại cái nhìn tội nghiệp...

Vẫn có những tác phẩm chân thực

Đã có một số bộ phim tài liệu phản ánh chân thực cuộc sống của người chuyển giới, tiêu biểu là bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm là một cái nhìn đồng cảm sâu sắc, đầy chia sẻ với những người chuyển giới. Thắm đã lăn lộn tìm hiểu, sống với họ để có những thước phim chân thực, nhiều chi tiết đắt giá đặc biệt qua hai nhân vật chị Phụng - chủ gánh hát lôtô và chị Hằng làm hậu trường… Những giấc mơ chính đáng về hạnh phúc gia đình, những yêu thương, giận hờn bên trong con người họ được bộc lộ không giấu giếm, đầy xúc động đã giúp cho bộ phim của Thắm gây ấn tượng mạnh cho khán giả và giành nhiều giải thưởng, bằng khen tại các LHP quốc tế.

Và gần nhất bộ phim tài liệu - truyện “Hồn bướm” của nữ diễn viên Kim Khánh (TPHCM) lần đầu trong vai trò nhà sản xuất và đạo diễn cũng là hành trình đấu tranh để được sống thật với giới tính của mình của ba nhân vật Jessica, Nhã Ân và Yến My. Đạo diễn đã đặt máy quay ngay ở nơi ở của nhân vật, không viết kịch bản đóng khung cố định mà để nhân vật kể chuyện và dẫn dắt câu chuyện. Cuộc đấu tranh với bản thân, với gia đình, người thân của những người chuyển giới đầy cam go và không thiếu nước mắt.

Mảng phim truyện điện ảnh, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng gây chú ý với phim “Hot boy nổi loạn” phần 1 và phần 2 đặc biệt với diễn xuất truyền cảm của diễn viên Lương Mạnh Hải.

Vũ Ngọc Đãng đã khắc họa những khát khao hạnh phúc, giấc mơ gia đình, những sinh hoạt, lối sống của những người đồng tính và cả những bi kịch, để tạo nên những thước phim không những ấm áp về tình người mà cũng đầy ám ảnh...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn