MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
BTS là nhóm nhạc Kpop có fandom hùng mạnh bậc nhất. Ảnh: BigHit Music cung cấp

Cuộc chiến triệu bản và thời đại bùng nổ của các fandom Kpop

DƯƠNG HƯƠNG LDO | 10/05/2023 07:09

Chỉ trong nửa đầu năm 2023, hàng loạt nhóm nhạc Hàn Quốc như IVE, LE SSERAFIM, aespa, TXT… bán được hàng triệu bản album trong tuần đầu, thậm chí ngày đầu phát hành. Fandom của các nhóm nhạc đang phát triển mạnh mẽ, giúp Kpop gặt hái nhiều thành tích đáng nể.

Cuộc đua “triệu bản"

aespa vừa có màn tái xuất bùng nổ sau 10 tháng vắng bóng với mini album “My World". 4 cô gái nhà SM bán được 1,37 triệu bản chỉ trong ngày đầu phát hành trên Hanteo. aespa trở thành nhóm nhạc nữ Kpop có doanh số album ngày đầu cao nhất lịch sử.

Con số “triệu bản" vốn không phải cột mốc dễ dàng đối với tất cả các nhóm nhạc. Trước đó, thành tích “triệu bản" chủ yếu là của các nhóm nhạc nam, với lợi thế fandom mạnh mẽ hơn nhóm nữ. Chỉ có Blackpink là nhóm nữ hiếm hoi đạt doanh số triệu bản trong ngày đầu phát hành (album “Born Pink” ra mắt tháng 9.2022).

Nhưng mọi thứ dần thay đổi khi fandom (cộng đồng người hâm mộ) Kpop ngày càng phát triển.

Nửa đầu năm 2023, đã có hàng loạt nhóm nhạc, đặc biệt là những nhóm nhạc thế hệ thứ 4, đạt doanh số “triệu bản".

 Tân binh LE SSERAFIM đạt doanh số ấn tương. Ảnh: Source Music

Album “The Name Chapter: TEMPTATION” của TXT bán được 1,8 triệu bản trong ngày đầu và 2,1 triệu bản trong tuần đầu.

Nhóm nữ LE SSERAFIM ra mắt chưa đầy 1 năm đã tiêu thụ 1 triệu bản album “UNFORGIVEN” trong ngày đầu và 1,2 triệu bản trong tuần đầu.

Full album đầu tay “I've IVE” của tân binh 1 năm tuổi IVE cũng ghi nhận doanh số ấn tượng, 600 nghìn bản ngày đầu và 1,1 triệu bản trong tuần đầu.

Trước đó, NewJeans trở thành nhóm nhạc cán mốc 1 triệu bản album nhanh nhất lịch sử Kpop, chỉ sau 6 tháng ra mắt với mini album “OMG" (đạt 1 triệu bản sau hơn 3 tuần).

Không chỉ nhóm nhạc, các thành viên solo cũng cho thấy độ chịu chi của fandom khi đạt doanh số ấn tượng. 

Album “FACE" của Jimin bán được 1,02 triệu bản trong ngày đầu phát hành, lập kỷ lục cho nghệ sĩ solo Kpop. Và ngay sau đó, một thành viên khác của BTS, Suga, đã phá kỷ lục này với 1,07 triệu bản ngày đầu cho album “D-Day".

Thành viên cuối cùng của Blackpink, Jisoo, ra mắt solo với album “Me" cũng ghi nhận doanh số ấn tượng: 1,17 triệu bản trong tuần đầu tiên.

Fandom Kpop ngày càng chi tiền mạnh tay cho thần tượng. Ảnh: YG

Thời đại fandom

Theo nhà phê bình văn hoá Lee Moon Woo, Kpop đạt được những thành tựu này là nhờ “thời đại của fandom" đang lan rộng khắp thế giới, đặc biệt là sự bành trướng của các fan nữ.

Cộng đồng người hâm mộ Kpop trên toàn cầu đã phát triển đến mức “biến album cứng thành hàng hoá" và ngày càng chịu chi cho việc mua album vật lý (đĩa CD).

Một số fan mua album với mục đích giành được “tấm vé may mắn" cho sự kiện ký tặng người hâm mộ của các nhóm nhạc/thần tượng. Một số khác thì mua album với mong muốn sở hữu chúng như một thứ hàng hoá rõ ràng, nhằm buôn bán, trao đổi card bo góc của thần tượng.

Thậm chí, việc mua album như một cuộc đua, thể hiện sự “cuồng nhiệt" với idol của các fandom. Điển hình như cộng đồng fan Kpop ở Trung Quốc, luôn được biết đến là những fandom “chịu chi" bậc nhất trên thế giới.

Nhờ các fandom quốc tế phát triển, tổng doanh số bán album vật lý năm 2022 của các nghệ sĩ Kpop đã tăng vọt lên con số khổng lồ 74.195.544 bản. Tăng 30% so với năm 2021 và tăng gấp 3 lần so với năm 2019.

Mới đây, Seventeen lập kỷ lục album bán chạy nhất lịch sử Kpop, với album “FML" vừa phát hành cuối tháng 4 - đạt 4,6 triệu bản. Trong đó, riêng fandom Trung Quốc đã mua 2,15 triệu bản, chiếm gần một nửa.

 Lượng fan Trung Quốc của Seventeen tăng cao. Ảnh: Pledis Entertainment

Fandom lớn mạnh còn ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng của các thần tượng trên bảng xếp hạng âm nhạc. Như việc Kpop đang vươn đến thị trường Mỹ thì fandom chiếm vai trò quan trọng bậc nhất.

Fandom mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ có một đặc điểm riêng. Fandom Trung Quốc chú trọng vào mua đĩa CD. Fandom khu vực Âu-Mỹ thì ưu tiên nghe nhạc trực tuyến/nghe radio.

Album “FML” của Seventeen lọt vào Top 2 Billboard 200 - bảng xếp hạng album khó nhằn của Mỹ chủ yếu nhờ vào điểm doanh số bán album/download album (chiếm gần 98%), trong khi điểm stream nhạc (phát trực tuyến) và phát radio tại Mỹ không đáng kể.

Hay việc Jimin trở thành nghệ sĩ solo Kpop đầu tiên đứng đầu Billboard Hot 100, chủ yếu cũng nhờ doanh số album.

Billboard thậm chí đã thay đổi luật để “làm khó" các nghệ sĩ Kpop khi BTS làm nên lịch sử, đứng Top 1 Billboard Hot 100 năm 2020. Nhưng fandom Kpop luôn “biến hóa" khôn lường và lại giúp idol chinh phục những đỉnh cao.

 Thần tượng Kpop tồn tại lâu dài là nhờ fandom mạnh mẽ. Ảnh: BigHit Music

Tất nhiên, người hâm mộ các nhóm nhạc Hàn Quốc quá cuồng nhiệt cũng đặt ra nghi vấn về độ nổi tiếng thực sự của thần tượng Kpop. Song, việc yêu thích một ai đó vốn dĩ là quyền cá nhân của mỗi người, không thể cấm cản hay đánh giá hơn kém.

Kpop gây dựng được cộng đồng fan trung thành cũng là nhờ mô hình phát triển thần tượng gần gũi với người hâm mộ.

Họ không chỉ thể hiện tài năng ca hát, vũ đạo, mà còn luôn hướng tới hình tượng “tài đức vẹn toàn", trở thành tấm gương và một phần trong chính cuộc sống của những người hâm mộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn