MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoa hậu Ý Nhi nhận nhiều chỉ trích vì loạt phát ngôn kém duyên trước truyền thông. Ảnh: SV

Đằng sau câu chuyện 600 nghìn người tham gia nhóm tẩy chay Hoa hậu Ý Nhi

Huyền Chi LDO | 09/08/2023 06:54

Những phát ngôn nhạy cảm của Hoa hậu Ý Nhi đẩy cô vào cuộc tranh cãi không hồi kết và bị công chúng quay lưng.

Nhiều ngày qua, ồn ào của Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi thu hút sự quan tâm của dư luận.

Từ một tân hoa hậu được nhận xét đăng quang xứng đáng, Ý Nhi bị khán giả tẩy chay, yêu cầu tước vương miện và suất thi quốc tế.

Hiện tại, một bộ phận antifan quá khích còn tấn công cả gia đình, thầy cô của người đẹp quê Bình Định. Hành động này bị lên án bởi nhiều người đã đi quá giới hạn, gây tổn hại đến những bên không liên quan.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật Hừng Đông) khẳng định, việc nhiều người tấn công gia đình, miệt thị ngoại hình của Hoa hậu Ý Nhi là không văn minh.

Luật sư cho biết: "Quyền tự do ngôn luận của công dân đã được pháp luật ghi nhận tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, pháp luật quy dịnh quyền tự do ngôn luận được giới hạn theo quy định của pháp luật.

Ở góc độ công luận, người dân có quyền đặt câu hỏi xoay quanh các vấn đề như cuộc thi có vi phạm quy định của pháp luật hay không, chất lượng của cuộc thi và thí sinh như thế nào, trách nhiệm của đơn vị tổ chức trong việc quản lý hình ảnh hoa hậu. Thế nhưng, họ không được có những hành vi quá khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".

Hoa hậu Ý Nhi gặp sóng gió ngay sau khi đăng quang Miss World Việt Nam 2023. Ảnh: SV

Luật sư Nguyễn Hữu Toại chỉ ra, tâm lý không sợ bị cơ quan chức năng truy vết, xử lý khiến nhiều người có hành động, lời nói không phù hợp, thiếu chuẩn mực. Bởi lẽ, trên không gian mạng, các tài khoản đều ẩn danh, người dùng không quen biết nhau.

Sự đông đảo của cộng đồng mạng dễ dàng thổi phồng vấn đề, khiến câu chuyện biến tướng. Họ bêu rếu, cười cợt những bức ảnh hoa hậu khóc lóc, xin lỗi công chúng.

Nếu muốn tìm ra chủ tài khoản vi phạm, cơ quan có thẩm quyền phải yêu cầu các nhà mạng cung cấp danh tính người dùng. Thế nhưng, điều này gặp nhiều khó khăn bởi các nhà cung cấp dịch vụ cần bảo mật thông tin khách hàng.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” có thể bị xử phạt từ 10- 20 triệu đồng.

Trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ theo quy định tại Điều 331 Bộ luật hình sự có thể bị phạt lên đến 7 năm tù.

"Thực tế, chế tài xử lý về hành chính theo quy định hiện tại còn nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung. Vì vậy, theo tôi trong thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước cần sửa đổi quy định này để tăng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa các vi phạm trên không gian mạng.

Theo quan điểm của tôi, cơ quan quản lý cần có những quy định rõ ràng, yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phối hợp để kiểm soát các thông tin, quản lý hành vi ứng xử trên mạng xã hội. Hành động đó sẽ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức cũng như lợi ích của nhà nước", luật sư chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn