MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ phim Tây Du Ký bản 1986 là ký ức thơ ấu của nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Ảnh: Nhà sản xuất

Đằng sau chuyện phim “Tây Du Ký 1986” chiếu đi chiếu lại dịp hè

Bình An LDO | 31/05/2023 09:25
“Tây Du Ký 1986” cho đến nay vẫn là ký ức thơ ấu của hàng triệu khán giả Việt Nam. Đôi khi, chỉ cần nghe nhạc phim cất lên đã thấy cả bầu trời tuổi thơ ùa về.

Khi Tây Du Ký là ký ức thơ ấu của nhiều thế hệ khán giả Việt

Theo Sina thống kê từ năm 2020, “Tây Du Ký” bản 1986 đứng đầu danh sách những bộ phim dài tập từng được phát sóng nhiều nhất với hơn 3.000 lần.

Tại Việt Nam, "Tây Du Ký 1986" được chiếu từ đầu những năm 1990 và trong suốt nhiều thập kỷ, phim được chiếu đi chiếu lại hàng trăm lần trên các kênh truyền hình khác nhau vào mỗi dịp hè.

“Tây Du Ký” bản 1986 được ví là thơ ấu, là ký ức đầy cảm xúc về một thời tuổi thơ của khán giả nhiều thế hệ, trong đó tiêu biểu là thế hệ khán giả 7X, 8X. Vào mỗi dịp hè, các kênh sóng phát “Tây Du Ký” như một món quà dành cho khán giả, những ai đang ở thơ ấu, và cho cả những ai đã từng có thơ ấu.

Với khán giả 7X, 8X, đó chính là những ngày nghèo khó, khi cả xóm, cả làng chỉ có duy nhất chiếc tivi đen trắng màn hình nhỏ. Từ chiều tối đã phải lo cơm nước, chuẩn bị sẵn sàng để ngay sau bữa cơm sẽ chạy bộ quãng đường rất xa đến nhà có tivi xem ké.

“Tây Du Ký” với khán giả 7X, 8X sẽ đầy ắp kỷ niệm của một thời thơ ấu thiếu thốn, ít phương tiện giải trí. “Tây Du Ký” với thế hệ 9X và gen Z sau này lại đánh dấu kỷ niệm về một thời rất ít phim thiếu nhi Việt Nam để xem.

Cuối thập niên 90, nhiều nhà đài đầu tư nhập thêm phim thiếu nhi để chiếu phục vụ khán giả nhí. Nhiều bộ phim mới được nhập về dịp hè, tạo nên sự đa dạng phong phú. Nhưng cơn sốt “Tây Du Ký” vẫn không thuyên giảm.

Bộ phim Tây Du Ký được chiếu nhiều lần cũng cho thấy thực trạng thiếu phim thiếu nhi, đặc biệt ở màn ảnh Việt. Ảnh: Xinhua

Việc “Tây Du Ký” được chiếu đi chiếu lại mỗi năm cũng cho thấy thực trạng thiếu thốn phim dành cho thiếu nhi như thế nào, đặc biệt ở màn ảnh Việt.

Khan hiếm phim Việt dành cho thiếu nhi

Lấy lại ví dụ từ chính bộ phim “Tây Du Ký” 1986 – dù sản xuất trong bối cảnh thiếu thốn, khó khăn, kỹ xảo sơ sài – nhưng đã làm nên sức sống gần 40 năm, không bản phim nào có thể vượt qua.

Một bộ phim hay có thể mang theo rất nhiều cảm xúc tươi đẹp về thơ ấu trên suốt hành trình trưởng thành của mỗi người. Chỉ cần được xem lại, được nghe lại thanh âm của bộ phim cũng gợi nhắc biết bao kỷ niệm cùng bạn bè thời nhỏ.

Thế nhưng, đề tài về thiếu nhi và phim dành cho thiếu nhi gần như đã bị bỏ quên trên màn ảnh Việt, ở cả truyền hình lẫn điện ảnh.

Số lượng phim đề tài thiếu nhi vốn luôn ít, từng có những tác phẩm được yêu thích như: Sơn Ca trong thành phố, Đội biệt động nhà C21, Đất rừng Phương Nam... Khi rating (chỉ số người xem) và doanh thu mang tính quyết định với một tác phẩm, đề tài thiếu nhi trở nên thiếu vắng.

Những bộ phim thiếu nhi ghi được dấu ấn, được phát sóng nhiều lần, được nhắc đến nhiều nhất hầu hết là phim ngoại, tiêu biểu trong đó là: Tây Du Ký, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên...

Bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” cũng được yêu thích một thời tại Việt Nam. Ảnh: Nhà sản xuất 

Một đạo diễn phim truyền hình Việt từng lý giải, phim truyền hình hiện phải nắm bắt được thị hiếu khán giả, xác định đối tượng khán giả đông nhất của màn ảnh là ai, từ đó sẽ xác định đề tài sản xuất. Phim gia đình đang lên ngôi bởi đối tượng khán giả độ tuổi 30-50 đang xem truyền hình nhiều nhất.

Chỉ số rating quyết định đến đề tài phim, bởi rating chính là yếu tố làm nên giá quảng cáo và thời lượng quảng cáo của giờ vàng.

Chưa kể, đội ngũ biên kịch ít ỏi, thiếu sáng tạo, không thể đảm đương sáng tác cho nhiều thể loại, đề tài trên màn ảnh.

Trong suốt nhiều thập kỷ, đề tài thiếu nhi không chỉ thiếu vắng trên màn ảnh Việt, còn thiếu vắng ở cả lĩnh vực hoạt hình.

Hoạt hình Việt Nam đang cho thấy sự bế tắc khi đi tìm lối ra. Ngoài những bộ phim nhỏ lẻ, hoạt hình Việt Nam khó khăn khi sản xuất tác phẩm dài hơi, có câu chuyện, kịch bản hấp dẫn cho thiếu nhi.

Giữa bối cảnh hoạt hình thế giới đã trở thành nền công nghiệp hùng mạnh với loạt siêu phẩm đắt khách trị giá hàng tỉ USD doanh thu như: Kẻ cắp mặt trăng, Toy Story, Frozen, Vua sư tử... hoạt hình Việt Nam vẫn như “giẫm chân tại chỗ”, thậm chí, còn giẫm chân ở thời điểm gần như sơ khai của thể loại hoạt hình, so với thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn