MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Danh ca Khánh Ly: Tự hào được hát và nói tiếng Việt

ĐẶNG CHUNG (thực hiện) LDO | 12/02/2018 15:00
Trò chuyện với Khánh Ly, bên tách trà nóng, không thể không nhắc tới Trịnh Công Sơn và âm nhạc của ông. Thỉnh thoảng, bà đưa mắt nhìn phố phường Hà Nội, dòng xe cộ tấp nập, bằng sự trìu mến.

Ở tuổi 73, khi đã đi qua dông bão, Khánh Ly bảo ước mơ duy nhất của mình là được hát, hát nhiều hơn, nhiều hơn nữa cho khán giả quê nhà. Dù bây giờ, giọng bà đã khàn, chỉ đứng trên sân khấu... bằng 1 chân. 

Trịnh Công Sơn định nghĩa tình yêu đẹp lắm

Năm 2017, Khánh Ly về nước nhiều hơn, còn tổ chức liveshow xuyên Việt, hát tình ca, mỗi show hát mấy chục bài trên sân khấu. Các cụ nói “Gừng càng già càng cay” - không sai!

- Một người đã 73 tuổi không thể hát khỏe như hồi 23 tuổi được. Giọng cũng thều thào lắm rồi. Mấy năm qua, tôi bị bệnh thần kinh tọa, 1 chân bị yếu, không đứng vững nữa. Nhưng vẫn hát được, đứng trên sân khấu bằng 1 chân cũng được, miễn là khán giả vẫn yêu thương mình. Đã có lúc, tôi nghĩ mình không có cơ hội trở về nữa, nhưng khán giả đã bao dung. Vì mang ơn khán giả, nên trời còn cho sức khỏe tôi còn trở về và hát, để gây dựng quỹ “Vòng tay nhân ái” giúp đỡ các mảnh đời khó khăn.

Hơn nữa, còn đi hát nghĩa là mình không phải người thừa. Lạ là, khi hát tôi không cảm thấy đau đớn hay mệt mỏi gì cả, chỉ muốn hát mãi. Có lẽ, đến tuổi này rồi nên có suy nghĩ như vậy. Giống như khi người ta yêu, yêu cho hết mình, không ai cản được. Tại vì đời người ngắn lắm!

Không phải ai ở tuổi 73 cũng quan niệm về tình yêu “trẻ” như Khánh Ly đâu?

- Tôi học từ anh Trịnh Công Sơn đấy. Không ai định nghĩa tình yêu đẹp, sâu sắc và cũng cay đắng như anh Trịnh Công Sơn. “Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu”. Bão đi qua để lại sự đổ vỡ, tan nát. Rồi “Tình yêu như vết cháy trên da thịt người”, nó để lại những vết tích, hằn sâu. Nhưng tình yêu cũng đẹp như những giọt mưa, mơ mộng lắm.

Tôi nhớ, hồi anh Trịnh Công Sơn mới dẫn đi hát, có lần hàng chục người cùng ở trong 1 cái phòng của hội họa sĩ trẻ, mà mỗi mình tôi là đàn bà. Nhưng chả có ai tán tỉnh tôi cả. Họ đâu có già mà tán người xấu (cười).

Hoặc có thể thời đó yêu hiền lắm, chỉ nhìn nhau là đủ biết người đó có yêu mình hay không, mình đáp lại cũng bằng ánh mắt của mình thôi. Nhưng thật tiếc là từ bé tới lớn, chẳng có ai nhìn tôi bằng cặp mắt yêu đương cả. Cho đến giờ này, tôi vẫn thắc mắc là tại sao tôi không có được tình yêu như thế!

Vậy mối quan hệ của bà và Trịnh Công Sơn có thể gọi tên là gì?

- Tôi chỉ là người bạn đồng hành trong âm nhạc của anh ấy mà thôi. Khi anh Sơn mới mất, có những người nhận mình là người yêu của anh. Tôi có thể tự nhận điều đó. Nhưng trái tim có lý do của nó, tôi không thể “ăn cắp” thứ không phải của mình. Tôi - khi 18 tuổi - chưa biết yêu là gì đã làm mẹ của 2 đứa con. Khi gặp anh Trịnh Công Sơn, tôi đã lấy chồng. Mà anh Sơn không bao giờ yêu người nào đã có gia đình.

Dù mối quan hệ đó là gì, nhưng khi nhắc tới Trịnh Công Sơn không thể không nhắc tới Khánh Ly và ngược lại. Theo bà, do đâu mà 2 người có sự gắn kết đặc biệt đó?

- Tôi cũng không lý giải được. Nhưng phải chắc chắn, nhờ âm nhạc của Trịnh Công Sơn mà khán giả biết tới và yêu thương tôi nhiều hơn. Khi hát nhạc Trịnh, tôi thấy từng câu hát như vận vào mình, giúp tôi giải tỏa nỗi buồn, để tôi sống mạnh mẽ và lạc quan hơn.

Ngay từ ban đầu, giọng Khánh Ly đã là vậy, hay đến lúc gặp âm nhạc của Trịnh Công Sơn mới ma mị, sâu thăm thẳm như thế?

- Ngay từ nhỏ đã thế rồi, đã khàn khàn như thế. Bốn đứa con của tôi có hát hò gì đâu mà giờ giọng cũng khàn khàn như mẹ. Mình tính không bằng trời tính. Ngày nhỏ, tôi có bao giờ nghĩ sẽ làm ca sĩ đâu, lên sân khấu hát như 1 bản năng. Rồi may mắn gặp được nhạc Trịnh.

Có ai nói với bà, khi buồn mà nghe Khánh Ly hát nhạc của Trịnh Công Sơn sẽ bị đẩy đến tận cùng nỗi buồn chưa?

- Tôi không nghĩ thế. Người buồn khi nghe nhạc, điều làm họ buồn hơn là họ nghe phải những bài vui. Còn mình buồn, nghe được tâm sự của 1 người nào đó buồn, sẽ cảm thấy được an ủi, chia sẻ. Đó cũng là lý do hồi đó tôi không hiểu anh Trịnh Công Sơn viết gì, nhưng vẫn thích. Cho mãi đến sau này, khi già rồi, mới ngồi ngẫm nghĩ ý nghĩa của từng bài và thấy tất cả những lý giải của mình về âm nhạc của Trịnh Công Sơn đều đúng cả.

Ai trong chúng ta cũng vậy, khi lý giải âm nhạc của Trịnh Công Sơn đều đúng cả, vì âm nhạc của ông tràn đầy tình yêu thương, giữa con người với con người.

Ước mơ được hát trên quê hương

Có khi nào bà mơ 1 giấc mơ, khiến bà đến bây giờ vẫn chưa hết suy nghĩ về nó?

- Ngay từ nhỏ, tôi chỉ mơ ước được yêu thương vì mồ côi cha sớm, không được xinh đẹp như mong ước của mẹ. Lúc nào cũng nghĩ đến bố nên ghen với người đã thay bố nuôi mình.

Mãi đến sau này mới hiểu mình đã sai. Sống đến bây giờ, tôi hiểu rằng, giấc mơ được yêu thương là ước mơ duy nhất trong đời sống. Ngày xưa mình ước ao được yêu thương, giờ lại muốn bù đắp thật nhiều thứ quý giá đó cho con cái.

Bà có tin vào định mệnh không?

- Tôi nhớ, có nhà văn từng viết 1 câu này: Có những người sinh ra chỉ để đi 1 mình thôi. Đó không phải là sự cô đơn mà là cô độc ở giữa bao nhiêu người, ở giữa bao cuộc vui, mình vẫn cứ lạc loài. Cái đó không phải mình muốn, tôi nghĩ chắc do định mệnh. Có nhiều người sinh ra chỉ để sung sướng, nhưng cũng có người sinh ra để chịu bất hạnh, thiệt thòi.

Có lúc tôi nghĩ, tại mình quá tham lam chăng? Những người tham lam thì thường không được gì cả. Nếu an phận thì tốt hơn. Nên sau này, tôi học cách bằng lòng. Nếu không biết bằng lòng mới là người khổ, có dư dả vẫn cô độc.

Tôi vẫn khuyên các con: Nếu kiếp này mình không đạt được thì kiếp sau, vì ông trời chia đều hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Trong số các con của Khánh Ly, có ai nối nghiệp ca hát của mẹ?

- Tôi đã trải qua những vinh - nhục, những cười, những khóc với nghề. Tôi biết mình là người may mắn, nhưng tôi không biết may mắn đó có tiếp tục đến với con mình không. Thành ra, các con tôi, đứa nào hát cũng được, nhưng tôi khuyên chúng nên học hành. Tôi chỉ có tâm nguyện con sống tử tế là được rồi, đâu cần phải là ca sĩ, hay người nổi tiếng.

Thế có ước mơ nào mà bà vẫn đang ấp ủ, chưa thực hiện được hay không?

- Thôi, đến tuổi này rồi thì xin “Xếp lại mơ non cùng ước bể/ Bờ bến xa xin hẹn lại một lần”. Nhưng đúng như ông Trịnh Công Sơn đã viết: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Tôi còn có cái gọi là nhà, là quê hương để về.

Tôi là người Việt Nam, được cất tiếng khóc và nói tiếng Việt. Tôi tự hào về điều đó. Đến bây giờ, dù sống ở hải ngoại, nhưng tôi vẫn nói tiếng Việt, hát tiếng Việt cho người Việt nghe. Tôi chọn đó là lẽ sống. Giờ chỉ mong có nhiều sức khỏe để hát nhiều hơn cho khán giả quê nhà.

- Cảm ơn Khánh Ly đã chia sẻ. Chúc bà thật nhiều sức khỏe để thực hiện ước mơ của mình!

 

“Tôi yêu chồng con một cách mù quáng. Chồng con làm gì cũng thấy yêu hết. Chồng bảo làm gì cũng nghĩ là chồng đúng. Thế thôi, chỉ biết làm đến thế thôi.

Nhưng khi chồng tôi mất, tôi hoàn toàn không biết cái gì cả, từ giấy tờ, nhà cửa, bảo hiểm, xe cộ. Tôi không hiểu như thế là tốt hay xấu. Vì 40 năm gắn bó với ông, ông lo hết cho tôi.

Bây giờ những điều tôi làm, cũng là vì chồng. Khi còn sống, ông muốn tôi như thế. Chẳng hạn như, “Em không được béo quá, diêm dúa quá, không được cắt tóc ngắn. Em phải toàn tâm toàn ý mà hát, em không được tiền bạc quá”. Tôi làm gì cũng nhớ đến những lời đó của chồng...”

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn