MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính Trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Huyền Thương

Đánh giá thực trạng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật 50 năm sau ngày đất nước thống nhất

Huyền Chi LDO | 12/12/2023 14:01

Ngày 12.12, Hội thảo khoa học toàn quốc "Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo" diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính Trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết: Các tác phẩm văn hóa văn nghệ thường trải qua 3 lần sáng tạo. Thứ nhất là sự sáng tạo của tác giả, thứ hai là sáng tạo thông qua giới lý luận phê bình, thứ ba là sáng tạo của nhân dân - những người thụ hưởng.

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa văn nghệ, coi văn hóa văn nghệ là một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, và văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Lý luận văn học nghệ thuật nước nhà cũng đã có những bước phát triển mới theo hướng dân tộc, dân chủ, khoa học, hiện đại và hội nhập. Phê bình văn học nghệ thuật đã góp phần phát hiện, giới thiệu đến công chúng nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật hay, phát hiện cái hay, cái đẹp, hướng dẫn công chúng thưởng thức nghệ thuật.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương sớm hoàn thành việc xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam vừa mang tính phổ cập nhân loại, vừa mang bản sắc dân tộc để phát huy vai trò của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong việc đề ra tiêu chí thẩm định là thước đo giá trị, để đồng hành cùng sáng tạo và tiếp nhận những giá trị nhân văn, tiến bộ; cổ vũ nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nghiêm túc; đồng thời nghiêm khắc phê phán những biểu hiện thị hiếu tầm thường, dung tục, các quan điểm sai trái trong hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn nghệ.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Việt Văn

Hội thảo nhận được 103 bài tham luận của các nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật công tác ở các cơ quan trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu; các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; các văn nghệ sĩ, các hội văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương.

TS Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đánh giá lĩnh vực điện ảnh: "Nếu không có các tác phẩm có sức nặng, công việc lý luận phê bình cũng sẽ bị hạn chế. Các tác phẩm ra rạp mùa lễ Tết chỉ chiếu một thời gian ngắn rồi rút khỏi rạp, không để lại nhiều giá trị. Chúng ta cần chia rõ, có các tiêu chí để phân biệt các dòng sản phẩm, đâu là các tác phẩm thương mại, tác phẩm nghệ thuật, hay tác phẩm nhà nước đặt hàng".

Trong khi đó, GS Phong Lê nói về thực trạng phê bình văn học: "Hiện tại, văn hóa phê bình theo nghĩa cổ điển đang thu hẹp lại. Không phải giới phê bình kém người tài. Tôi tìm thấy nhiều người tài trong các bạn trẻ, ở các báo, các trường và viện, và các cơ quan văn hóa, văn nghệ...

Không phải vì sáng tác kém hay, không có cái hay. Vẫn có, và ngày càng nhiều cái hay trong đội ngũ ngày càng đông các tên sách, tên người thuộc thế hệ 7X trở về sau.

Với đội ngũ này, không cần đến giới phê bình họ vẫn có nhiều cách đến với người đọc khi công nghệ thông tin và văn hóa mạng làm được rất nhanh và rất rộng việc giới thiệu, quảng bá cho một tên tuổi nào đấy, không kể khi tác giả đã là một thương hiệu".

Ở lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến đề xuất cần xây dựng và có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu lý luận, nhất là các công trình nghiên cứu về văn hóa, âm nhạc dân gian; cần có sự liên kết giữa Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương với các trường đại học để nghệ thuật và âm nhạc trở thành môn học giúp các nhà báo tương lai tiệm cận gần hơn với văn học, nghệ thuật, âm nhạc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn