MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim “Bình minh đỏ” của đạo diễn, NSND Thanh Vân. Ảnh: TLĐLP

Để phim Nhà nước ngày càng hay, hấp dẫn

Việt Văn LDO | 01/03/2022 10:10

Đã có một thời gian, điện ảnh Việt vắng bóng phim Nhà nước, để rồi dòng phim này đã trở lại trong Liên hoan phim Việt Nam và giải Cánh diều của Hội điện ảnh năm qua. Dù chất lượng của nó còn nhiều điều phải bàn nhưng rõ ràng việc Nhà nước sẽ tiếp tục tài trợ, đặt hàng cho một số đề tài phim truyện điện ảnh là cần thiết, vấn đề là chọn đúng người, đúng kịch bản để đạt hiệu quả cao nhất.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam

Trong Luật Điện ảnh 2006 (bổ sung, sửa đổi 2009) ở Điều 5 Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh ở khoản 4 có nêu: Nhà nước tài trợ cho việc sản xuất phim truyện về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số; phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình.

Còn trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 5.2022 Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh ở mục 2 khoản a có nêu rõ Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho Sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.

Như vậy, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, đề tài phim được Nhà nước đã mở rộng hơn với phim bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam. Cụm từ này có lẽ gắn nhiều với phim tài liệu, nhưng cũng không phủ nhận phim truyện điện ảnh. Có thể đơn cử như phim “Song Lang” của đạo diễn Leon Quang Lê đạo diễn từng giành Bông sen vàng, Cánh diều bạc trong nước và đoạt nhiều giải tại các LHP quốc tế, gắn liền với nghệ thuật cải lương ở Sài Gòn, ngay tựa đề của phim cũng là một loại nhạc cụ giữ nhịp trong cải lương. Hay “Cô Ba Sài Gòn” do Trần Bửu Lộc cùng Kay Nguyễn đạo diễn đoạt Cánh diều vàng  - Hội Điện ảnh và hai giải tại LHP Việt Nam ca ngợi vẻ đẹp của tà áo dài Việt. Ngoài ra cụm từ “phim truyền thống lịch sử” trước đây được làm rõ hơn, chi tiết hơn và cũng mở rộng hơn là phim “đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc...”. Thực tế là mảng phim chân dung về danh nhân còn ít, phim về lãnh tụ cũng chưa nhiều và rất ít phim hay.  

Trước đây, trong quá trình góp ý về Luật, một số đại biểu cũng nêu ý kiến nên mở rộng đề tài Nhà nước tài trợ cho phim về đề tài đương đại, trong bối cảnh điện ảnh Việt quá khan hiếm về mảng này. Tuy nhiên cuối cùng nó không được đồng thuận cao để đưa vào bản dự thảo sau cùng.

Làm sao để nâng hiệu quả phim Nhà nước?

Đó là câu hỏi nhức nhối từ nhiều năm nay. Lẽ dĩ nhiên không nên đòi hỏi phim Nhà nước phải đi thi đấu quốc tế và giành giải, bởi lẽ Nhà nước bỏ tiền tài trợ, đặt hàng cho những đề tài riêng với sứ mệnh cũng rất rõ ràng, chủ yếu để chiếu phục vụ nhân dân vào những ngày lễ, Tết, kỷ niệm. Nó không đặt mục đích thương mại lên hàng đầu. Cũng như với các đạo diễn phim độc lập, thể nghiệm thì doanh thu phòng vé không phải là thước đo cho thành bại của phim.

Tuy nhiên, đã là phim thì vẫn phải hay vì hay mới thu hút được khán giả và mới có sức lan tỏa, hiệu quả xã hội mạnh mẽ. Nhất là trong bối cảnh điện ảnh phát triển như vũ bão, các nền tảng kỹ thuật số tạo ra dòng phim chiếu mạng tốc độ nhanh như vết dầu loang, sự lựa chọn và gu thẩm mỹ của khán giả ngày càng khắt khe, tinh tế hơn thì những sản phẩm dở khó có chỗ đứng trong lòng công chúng.

Loạt phim Nhà nước ở Liên hoan phim Việt Nam vừa qua, chỉ duy nhất có một phim giành được một giải của Ban giám khảo là “Bình minh đỏ” của đạo diễn NSND Thanh Vân - câu chuyện về trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn, bối cảnh chiến dịch Tết Mậu Thân 1968… Giải ghi nhận nỗ lực, cố gắng của đoàn làm phim về mảng đề tài chiến tranh với khó khăn về nhiều mặt từ kịch bản cho đến bối cảnh, phục trang.

Ở đây còn có câu chuyện phim được Nhà nước đầu tư còn ít, thường không có kinh phí làm quảng cáo, nên cũng thiệt thòi. Tuy nhiên sự đổi mới trong cơ chế đặt hàng của Nhà nước là hết sức quan trọng. Đấu thầu hay chỉ định - chỉ là phương thức; điều quan trọng là làm sao hội đồng thẩm định phải có con mắt xanh để chọn ra kịch bản hay và sau đó, các hãng, các đơn vị sản xuất phim phải chọn đúng đạo diễn. Khi luật đã quy định những vùng cấm cụ thể thì cứ theo luật mà thi hành, khái niệm “nhạy cảm” nhiều khi là “con dao hai lưỡi” có thể giết chết sáng tạo của người làm phim.

Việc kết hợp Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư cho phim đã được thực hiện khá hiệu quả ở một số tác phẩm và trong bối cảnh hiện nay, sự bắt tay này càng cần được triển khai. Tất cả để sao cho phim Nhà nước ngày càng hay, hấp dẫn với một sứ mệnh riêng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn