MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim Iran “Lantouri”. Nguồn ảnh Internet

Điện ảnh Iran, vẻ đẹp vượt lên những cấm đoán đời thường

BÙI TRÍ HIẾU (VIỆN PHIM VIỆT NAM) LDO | 30/12/2017 07:00
Iran nổi tiếng với một nền điện ảnh khắc nghiệt không sex, không rượu bia và không chính trị trên phim ảnh. Vậy mà điện ảnh Iran liên tục để lại dấu ấn tại các kỳ liên hoan phim lớn của thế giới, bất chấp sự cấm đoán của pháp luật luôn ràng buộc chặt chẽ các nhà làm phim.

Làm cách nào mà họ đạt được những thành quả đó? Có lẽ bởi sự sáng tạo và trí tưởng tượng đầy thú vị từ chính cuộc sống muôn màu từ quốc gia Hồi giáo này.

Điện ảnh Iran nhìn từ các liên hoan quốc tế

Trong những năm gần đây, phim Iran đang dần chiếm được con tim của các giải lớn như liên hoan phim Oscar và Cannes. Gần đây nhất, bộ phim The Salesman (Người bán hàng) (2016) của đạo diễn Asghar Farhadi đã giành giải Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất. Bộ phim là tác phẩm thứ 2 giúp ông thắng giải Oscar cho hạng mục này cùng với A Seperation (Cuộc chia li) (2012) ở kỳ liên hoan phim trước.

Đặc biệt, nữ diễn viên Iran nổi tiếng mang tên Leila Hatami từng tham gia bộ phim A Seperation đã từng bị chính quyền và dư luận bảo thủ tại quê hương cô yêu cầu truy tố với hình phạt quật 50 roi và bỏ tù chỉ vì tội… hôn má xã giao với ngài Gilles Jacob - Chủ tịch Liên hoan phim Cannes năm 2014. Điều này phản ánh sự khắc nghiệt của một nền văn hóa cổ vẫn tồn tại ở Iran ngày nay hiện đang chi phối mọi mặt của xã hội. Chúng ta phần nào có thể hiểu vì sao phim Iran vẫn luôn kín đáo giấu mình, chỉ phơi bày cái nội tâm qua các câu chuyện kể và những cuộc đối thoại trên màn ảnh.

Những cái nhìn bên trong

“Điện ảnh Iran được ví như một cái cây với cành là những đạo diễn thế hệ cũ mà dẫn đầu là Abbas Kiarostami, làm phim với màu sắc tự nhiên còn các đạo diễn mới thì làm phim theo ảnh hưởng, đó là những lá và quả”. Đó là lời nhận xét của đạo diễn Iran Reza Dormishian khi cùng diễn viên Iran Parsa Pirouzfar mới gần đây tham gia buổi giao lưu cùng các sinh viên trường Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.

Mới ở tuổi 36, Reza Dormishian đã được đánh giá là một trong những bộ mặt triển vọng của thế hệ đạo diễn mới tại Iran. Anh đã thực hiện được bốn bộ phim truyện bao gồm Jadoughar (2008), Hatred (Hận thù) (2012), I’m Not Angry! (Tôi không giận dữ!) (2014) và Lantouri (Băng đảng Lantouri) (2016). Trong số đó, Lantouri là bộ phim Iran duy nhất được ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 66.

Bằng phương pháp giả tài liệu, Lantouri tạo cảm giác dường như chính khán giả cũng là một nhân vật của bộ phim. Khởi đầu bằng các cuộc đối thoại khó hiểu với đủ loại người trong xã hội như sinh viên, chủ cửa hàng bán hoa quả, nhà xã hội học, luật sư, nhà báo, người công tác xã hội… Dần dần, bộ phim đưa khán giả vào câu chuyện chính nằm sâu bên trong để rồi các cuộc hội thoại trở thành những mảnh ghép thông tin thú vị để ráp nối và hình thành nên sự việc là một vụ án tạt axít được dư luận xã hội quan tâm. Và rồi khi các nhân vật trong bộ máy nhà nước xuất hiện như cảnh sát, thẩm phán, bác sĩ; phim đề cập đến một điều luật trong bộ luật Hồi giáo cho phép người bị hại được trả thù.

Cô phóng viên Maryam bị tên tội phạm Pasha tạt axít vào mặt bị mù cả đôi mắt. Cô quyết khiến hắn phải bị mù như cô. Tòa chấp nhận thi hành án nhỏ axít vào đôi mắt của Pasha. Cuối cùng, vào lúc vị bác sĩ chuẩn bị hành hình, Maryam tha thứ cho hắn khiến Pasha bật khóc, bày tỏ sự ăn năn với tội lỗi của mình.

Điểm đáng nói là cả bộ phim được đạo diễn Dormishian xây dựng sao cho không nhân vật nào hoàn hảo, không nhân vật nào hoàn toàn được khán giả yêu thích, bất cứ ai kể cả người bị hại như Maryam đều có cả 2 mặt tốt xấu. Tất cả các nhân vật đều là những công dân của xã hội nhưng xuất hiện cùng nhau như một phần của tòa án đóng vai trò là bồi thẩm đoàn, thẩm phán, luật sư, bị cáo, nguyên cáo, cảnh sát, người hành hình (bác sĩ)… nhằm tạo nên một cái nhìn khách quan từ ghế ngồi dự buổi xét xử của một vụ án.

Thông qua bộ phim, đạo diễn cũng chia sẻ rằng hơn 80% bối cảnh của phim Iran đều là cảnh thực và thực tế không có nhiều cảnh dựng trong quá trình làm phim. Và đặc biệt hơn cả, khi được hỏi về thị trường phim trong nước, đạo diễn đã nói rằng Iran cấm chiếu tất cả các phim của Mỹ tại rạp chiếu phim. Đổi lại, để phục vụ khán giả, 1 năm Iran sản xuất khoảng 200 phim truyện và hàng trăm loạt phim truyền hình. Đây quả là con số không nhỏ nhưng xứng tầm với quốc gia lớn thứ 18 của thế giới.

Qua đó, chúng ta thấy Việt Nam còn có cả một chặng đường dài phía trước để phấn đấu sao cho có được một nền điện ảnh xuất sắc tính nghệ thuật, mang bản chất thuần Việt mà không bị nhiễm văn hóa lai căng, nửa mùa, thiếu sáng tạo, chỉ hài mà vui như các phim giải trí thị trường hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn