MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
2 tuần sau khi đăng quang, Hoa hậu Ý Nhi đối mặt với khủng hoảng truyền thông chưa từng có. Ảnh: SV

Dư luận đi quá xa khi tấn công người thân của Hoa hậu Ý Nhi

Anh Tuấn LDO | 06/08/2023 20:00

Dư luận có lý khi chê trách những phát ngôn của Hoa hậu Ý Nhi nhưng lại đi quá xa khi buông lời cay nghiệt, tấn công cả người thân, gia đình tân hoa hậu.

Có lẽ hiếm có hoa hậu nào sau khi đăng quang ít ngày đã có nhóm anti-fan lên đến 500.000 thành viên như đương kim Miss World Vietnam Huỳnh Trần Ý Nhi. Nửa triệu thành viên nghĩa là có tối thiểu nửa triệu cặp mắt săm soi mọi phát ngôn, hành động, cư xử của Ý Nhi, chia sẻ những quan điểm, ý kiến độc hại về cô trên mạng xã hội.

Những ngày này, bố hoa hậu Ý Nhi là ông Huỳnh Tấn Nguyên rất buồn. Nhiều người nhắn tin cho ông Tấn Nguyên yêu cầu ông khuyên con từ bỏ vương miện. Ngoài nhắn tin vào facebook, một số người còn nhắn cả vào số điện thoại cá nhân của ông: “Chú nên kêu con gái từ bỏ vương miện đi nha. Chị ấy mà đi thi xong là kết quả thê thảm lắm đó. Cho người xứng đáng hơn đi thi thay vì một người ngông cuồng”. Bố hoa hậu chia sẻ “có những người khuyên nhẹ nhàng nhưng cũng có người nhắn nhiều lời khó nghe”.

Ý Nhi mắc sai sót trong phát ngôn. Tân hoa hậu, gia đình và cả đơn vị tổ chức cuộc thi đã và đang phải trả giá đắt. Hội chứng đám đông tấn công họ trên nhiều nền tảng với lời lẽ công kích, xúc phạm, miệt thị.

Trong cuốn sách nổi tiếng “Tâm lí đám đông” của Gustav le Bon, nhà tâm lí học xã hội người Pháp hồi thế kỉ XIX đã phân tích đặc điểm “đám đông” như thế này: “Những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thủy, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất”. Đám đông trên mạng nhiệt tình công kích hoa hậu Ý Nhi cũng không thoát ra ngoài đặc tính mà Gustav le Bon đã chỉ ra.

Hoa hậu Ý Nhi trở thành tâm điểm trên mạng xã hội hậu đăng quang. Ảnh: SV

Chia sẻ trên Lao Động, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, một người có kinh nghiệm xử lí khủng hoảng truyền thông cho rằng, tước vương miện không phải là giải pháp để giải quyết khủng hoảng này: “Ở góc nhìn của tôi, bản thân hoa hậu không phải vấn đề quá lớn, bởi vì cô ấy là người mới, còn trẻ. Ý Nhi cần phải học hỏi thêm nhiều. Vấn đề lớn nhất nằm ở ê-kíp. Nếu như Sen Vàng không nhận ra rằng họ đang có ê-kíp yếu kém, không có sự nhạy cảm trong truyền thông, sẽ rất khó để giải quyết vấn đề. Đây không còn là công việc PR đơn thuần. Họ cần một ê-kíp khác, có sự chuyên nghiệp và nhạy cảm hơn để xử lý khủng hoảng”.

Chuyên gia đào tạo hoa hậu Phúc Nguyễn, người nắm giữ bản quyền nhiều cuộc thi quốc tế như Hoa hậu Trái Đất Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational) cho rằng, lúc này là lúc nên bao dung với Ý Nhi: “Hoa hậu còn quá trẻ. Sự non nớt của cô ấy đã khiến cô ấy rơi vào khủng hoảng truyền thông, đồng thời, phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm với công chúng.

Hoa hậu sẽ phải cần đến thời gian để trưởng thành. Hôm nay cô ấy có thể chưa học hỏi thấu đáo, nhưng ngày mai, ngày kia cô ấy sẽ học. Chúng ta nên cho cô ấy thời gian và cơ hội để hoàn thiện mình, thay vì đòi tước vương miện. Sự bao dung sẽ giúp cô ấy tốt hơn, chứ không phải việc tước vương miện”.

Đối diện với khó khăn, từ bỏ là việc dễ. Đứng dậy đương đầu, vượt qua sức ép dư luận để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mới là việc khó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn