MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mẹ chồng - nàng dâu trong "Hạnh phúc không có nơi cuối con đường".

"Hạnh phúc không có ở cuối con đường": Triết lý mẹ chồng - nàng dâu thấm thía

Linh Chi LDO | 13/10/2018 08:30
Trò chuyện với biên kịch Đỗ Trí Hùng - người chắp bút bộ phim "Hạnh phúc không có ở cuối con đường", ông cho biết câu nói "Dù thế nào em vẫn phải đến vì mẹ là mẹ chồng em" của nhân vật Quyên trong phim khiến ông rất tâm đắc và là triết lí bao quát cả bộ phim.

Được biết "Hạnh phúc không có ở cuối con đường" là sự kết hợp của ông và đạo diễn Khải Hưng, vậy bộ phim này mang màu sắc của ai nhiều hơn?

- Kịch bản “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” được bắt đầu bởi gợi ý của đạo diễn NSND Khải Hưng. Thời điểm đó – đầu 2010, anh gợi ý tôi: “Nên viết một bộ phim về chân dung doanh nhân thành đạt, đi lên từ tay trắng, và là nữ doanh nhân thì càng tốt”. 

Sau đó, tôi và đạo diễn Khải Hưng cùng thảo luận, xây dựng cốt truyện, hệ thống nhân vật, tính cách và số phận của họ rồi tôi viết thành đề cương. 

Tôi nghĩ, anh Khải Hưng hoàn toàn đủ tư cách là đồng tác giả với tôi ở bộ kịch bản này. Như vậy, nếu câu hỏi là màu sắc của ai nhiều hơn, tôi nghĩ là ngang nhau.

Ông có thể lí giải một chút về tên gọi "Hạnh phúc không có ở cuối con đường?

 Biên kịch Đỗ Trí Hùng. 

- Với kịch bản “Hạnh phúc không ở cuối con đường”, tôi muốn chia sẻ với khán giả một điều rằng, cuộc đời mỗi con người thực chất là một hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Một hành trình đầy gian nan, bất trắc và không thể lường trước được những thử thách nào đang chờ đợi ta trong suốt chặng đường đó. 

Với ông, khó khăn nhất khi chắp bút cho bộ phim dài hơi này là gì?

- Kịch bản “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” là kịch bản tâm đắc, không chỉ với tôi, mà cả với đạo diễn Khải Hưng. 

Khó khăn khi viết thể loại phim dài tập là phải dựng cho được số phận của nhân vật. Sự hấp dẫn của phim chính là số phận của nhân vật. Biên kịch phải làm thế nào để khán giả phải theo dõi hành trình của nhân vật đến không dứt ra được.

Toàn bộ các nhân vật trong kịch bản “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” hoàn toàn do tôi và đạo diễn Khải Hưng “bịa ra”, tức là hư cấu, rồi tạo ra số phận của họ. Những số phận đó phải đảm bảo được yêu cầu phản ánh bộ mặt của một thời kỳ, đồng thời lại rất riêng biệt và độc đáo.

Có vẻ như ông đã dành khá nhiều tâm huyết, vậy đâu là điều khiến ông tâm đắc nhất khi kịch bản hoàn thành?

- Bộ phim là một chuỗi các sự kiện, trong đó rất nhiều sự kiện, nhiều chi tiết khiến tôi tâm đắc, đặc biệt những sự kiện liên quan tới nhân vật chính Thục Quyên. Chẳng hạn, việc cô ấy dám đối diện với bà Hà - mẹ của Quang, ngay sau khi hai người đăng ký kết hôn. Thậm chí, Quang rất lo lắng, sợ hãi thì Quyên vẫn dám xác định rằng “dù thế nào em vẫn phải đến vì mẹ là mẹ chồng em” và ta biết, cô đã bị đối xử tàn nhẫn thế nào. 

Còn cả nhiều nhân vật khác như Quang - chồng của Quyên, Ngân - vợ cũ của Quang. Tóm lại, với tôi, biên kịch hay đạo diễn hay mọi thành phần khác làm nên bộ phim, đều tâm đắc và dốc hết tâm lực vào tác phẩm. Nhưng hiệu quả cuối cùng là đến với khán giả thế nào, được đón nhận tới đâu, lại vượt ra ngoài khả năng của họ. 

Cảm ơn ông đã chia sẻ! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn