MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn viên Hồng Đăng chưa trở lại màn ảnh gần 1 năm nay, dù kế hoạch sản xuất phim của VTV dày kín. Ảnh: Facebook nhân vật

Hồng Đăng chưa thể trở lại màn ảnh và lệnh cấm sóng được thực thi

Mi Lan LDO | 19/04/2023 14:42
Gần một năm sau khi bị một cô gái 17 tuổi người Anh tố cưỡng hiếp ở Tây Ban Nha, diễn viên Hồng Đăng vẫn chưa thể trở lại màn ảnh, dù tòa án chưa có kết luận chính thức.

Cuối tháng 6.2022, diễn viên Hồng Đăng - khi ấy còn đang là cái tên hot của phim truyền hình giờ vàng - bị tố cưỡng hiếp cô gái 17 tuổi người Anh trên đảo Mallorca, Tây Ban Nha (cùng với nhạc sĩ Hồ Hoài Anh). Cho đến nay, tuy chưa có kết luận của tòa án, được cho tại ngoại nhưng con đường trở lại màn ảnh của Hồng Đăng được đánh giá là... mịt mù.

Khi sự việc xảy ra, hình ảnh Hồng Đăng trong phim "Thương ngày nắng về" đang lên sóng thời điểm ấy cũng bị cắt bỏ.

Gần đây, trên trang cá nhân, Hồng Đăng cũng bóng gió cho rằng, duyên với nghệ thuật của nam diễn viên đã hết. Hiện, Hồng Đăng quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, hỗ trợ vợ quảng cáo bán hàng. 

Những nghệ sĩ vướng ồn ào sắp tới đây sẽ chịu lệnh cấm sóng nghiêm khắc theo văn bản quy trình xử lý của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện.

Lệnh cấm sóng, cấm hoạt động trên mạng xã hội được thực hiện

“Cấm sóng” là cụm từ đã được lan truyền từ lâu ở showbiz, nhưng mới dừng lại là “luật bất thành văn”. Có nghĩa, một số cá nhân nghệ sĩ vi phạm pháp luật, có phát ngôn gây sốc, hành xử vi phạm bộ quy tắc đạo đức... sẽ rơi vào tầm ngắm, và ngầm bị tẩy chay, bị cấm sóng, không còn cơ hội trở lại làm nghề.

Tuy nhiên, vì là “luật bất thành văn” nên chưa đủ tính răn đe, chưa đủ mạnh để nghệ sĩ chấn chỉnh lối sống, hành vi.

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là các nghệ sĩ, nếu có hành vi vi phạm pháp luật, bên cạnh sẽ bị xem xét xử lý vi phạm hành chính còn có hình thức xử phạt "bổ sung" như cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng.

Theo thông tin mới nhận, quy trình xử lý sẽ có hiệu lực trong tháng 5.2023.

Theo đó, những cá nhân nghệ sĩ vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức có thể bị cấm sóng (hạn chế biểu diễn), cấm đăng tải thông tin trên mạng xã hội, cấm xuất hiện trên các đài phát thanh, truyền hình.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng, mức phạt hiện nay với nghệ sĩ vi phạm trên môi trường mạng chưa đủ sức răn đe. Hiện tại, chế tài xử phạt các vi phạm hành chính của nghệ sĩ trên môi trường mạng ở các mức từ 5-10 triệu đồng hoặc từ 10-15 triệu đồng.

Năm 2021, Bộ VHTT&DL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tuy nhiên, bộ quy tắc này không có phần xử phạt - nên cũng không có tính răn đe, không đủ sức nặng đối với giới nghệ sĩ ngoài thực tiễn.

Lệnh cấm sóng với nghệ sĩ vướng ồn ào, phát ngôn, hành động phản cảm sẽ được thực hiện từ tháng 5.2023. Ảnh: FBNV

Việc Bộ TT&TT phối hợp cùng Bộ VHTT&DL thực hiện quy trình xử lý với người hoạt động nghệ thuật trong đó có việc bị cấm sóng, cấm hoạt động trên mạng xã hội nhận được sự ủng hộ của dư luận.

Bởi hơn ai hết, nghệ sĩ là những người có sức ảnh hưởng rộng với giới trẻ, với xã hội, họ cần nêu gương về lối sống, hành vi chuẩn mực.

Nghệ sĩ đã được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi

ThS. Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt, cho rằng những nghệ sĩ có lối sống, phát ngôn thiếu chuẩn mực sẽ tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, đặc biệt là đến nhận thức và hành động của giới trẻ.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đưa quan điểm, nghệ sĩ vốn đã được hưởng "đặc quyền truyền thông", họ cần phải có trách nhiệm với từng phát ngôn, từng hành động và từng quan điểm của mình trước công chúng.

Quan điểm, lối sống tốt sẽ lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng, gia tăng uy tín, thương hiệu, tên tuổi, sự ngưỡng mộ và yêu mến của khán giả. Và ngược lại, những phát ngôn thiếu chuẩn mực, tiêu cực sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu trong công chúng.

Ở Hàn Quốc, Trung Quốc, nghệ sĩ khi vướng scandal sẽ chịu án kỷ luật nghiêm khắc, bị cấm sóng, phong sát, sự nghiệp sụp đổ. Ảnh: Xinhua

“Nghệ sĩ đã được hưởng rất nhiều đặc quyền từ tình yêu thương của khán giả. Họ đã có được rất nhiều thứ như danh vọng, tiền bạc... từ sự hâm mộ của số đông khán giả. Họ không nên nhìn ở góc độ, “người bình thường có sai sót không ai đánh giá, nhưng người nổi tiếng sai sót cả nước biết”, họ nên nhìn ở hướng tích cực hơn. Lẽ ra, họ nên biết ơn vì họ được hàng triệu người chú ý. Nếu họ làm điều tốt, họ sống đẹp, hàng triệu người sẽ nhìn vào.

Việc được hàng triệu người chú ý chính là một cơ hội để những nghệ sĩ có nhân cách đẹp và có ý thức sống đẹp được thể hiện mình” - chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nói.

“Còn nếu họ thấy quá mệt, quá khổ với việc làm người nổi tiếng, khi bị soi xét quá đà, bị can thiệp cuộc sống riêng tư, bị đồn thổi... họ có thể chọn làm người bình thường” - ông Long nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn