MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Jin (BTS). Ảnh: Big Hit

Jin (BTS) ôm 1.000 fan, bị cưỡng hôn và giới hạn riêng tư của nghệ sĩ

Thùy Trang LDO | 15/06/2024 12:00

Câu chuyện Jin (BTS) bị fan nữ cố tình hôn vào cổ gây xôn xao nhiều ngày qua, dấy lên những tranh luận về giới hạn giữa thần tượng và người hâm mộ.

Những ngày qua, video quay lại cảnh một fan nữ giao lưu và cố tình hôn vào cổ Jin (BTS) gây tranh cãi. Được biết, sự kiện này là hoạt động giao lưu, chọn ra 1.000 người hâm mộ được gặp và ôm Jin.

Jin tỏ ra không thoải mái và né tránh khi bị một fan ôm chặt, hôn vào cổ. Lúc sau, một cô gái khác ghé sát vào mặt nam thần tượng để nói thầm khiến anh phải quay mặt đi.

Sau đó, thành viên BTS chia sẻ rằng anh muốn thể hiện sự chân thành với người hâm mộ, quyết định lựa chọn những cái ôm thay vì kí tặng, chạm tay thông thường.

Tuy nhiên, việc Jin ôm 1.000 fan có thể tạo áp lực cho các thành viên khác của BTS nếu họ không tổ chức những hoạt động tương tự.

Trước đó, công ty Big Hit đã bị chỉ trích vì lựa chọn những fan may mắn dựa trên số lượng mua album trong thời gian quy định. Một số khán giả cáo buộc công ty lợi dụng Jin để tăng doanh thu từ việc bán album.

Nhắc đến sự tương tác giữa thần tượng và người hâm mộ, Kpop có thuật ngữ "fan service". Qua thời gian, fan service đã trở thành một nghĩa vụ bắt buộc đối với những nghệ sĩ Hàn Quốc.

Nói cách khác, người nổi tiếng luôn phải thân thiện, niềm nở, đáp trả công chúng nhiệt tình. Họ cần thể hiện lòng biết ơn với khán giả, càng nhiều càng tốt.

Trước đó, V (BTS), Ningning (aespa) và nhiều nghệ sĩ từng vướng tranh cãi vì ngó lơ, không chào người hâm mộ khi xuất hiện ở địa điểm công cộng.

Trong khi đó, các hình thức fan service ngày càng biến tướng, như một hình thức mua bán đội lốt giao lưu.

Fan của Mark (NCT) tiết lộ bỏ ra 16.000 USD (400 triệu đồng) để chụp ảnh như tình nhân với thần tượng, hay nhiều người hâm mộ bỏ tiền mua hàng trăm cuốn album để có cơ hội tiếp xúc gần với các nhóm nhạc họ yêu thích.

Tờ Sports Kyunghyang khẳng định: “Không có người hâm mộ sẽ không có thần tượng". Quyền lực của công chúng khả năng chi phối các công ty giải trí, các nhà quản lý lại gây sức ép lên nghệ sĩ, và nghệ sĩ sẽ phải chiều lòng người hâm mộ.

Tại Hàn Quốc, có nhiều trường hợp người hâm mộ bỏ số tiền lớn để có được thông tin riêng tư của thần tượng như địa chỉ, số điện thoại, ảnh và video riêng tư, lịch trình di chuyển, số hiệu chuyến bay...

Jin ôm 1.000 người hâm mộ để tri ân sau khi xuất ngũ. Ảnh: Big Hit

Korea Times đánh giá: "Các công ty Kpop đang cố gắng kiểm soát tình cảm của người hâm mộ dành cho nghệ sĩ. Họ dùng các nền tảng, món hàng hóa và tạo ra những nội dung giải trí độc quyền để thu hút fan thay vì dùng âm nhạc để giữ chân họ".

Để có thể nhận được tin nhắn từ thần tượng, người hâm mộ phải trả phí đăng ký cho các ứng dụng kết nối. Họ sẽ có cảm giác như đang được nói chuyện riêng với thần tượng, dù những tin nhắn này được gửi cùng lúc cho hàng nghìn fan.

Lúc này, sự riêng tư của các ngôi sao bị xâm phạm nghiêm trọng, khi họ phải giữ gìn hình ảnh, hoạt động dày đặc để phủ sóng, và thời gian rảnh phải trò chuyện cùng khán giả.

Đầu năm 2024, Karina (aespa) bị khui tin hẹn hò và ngay lập tức nhận được xe tải có dòng chữ: "Tại sao bạn lại phản bội chúng tôi?" từ một bộ phận người hâm mộ. Khi thừa nhận hẹn hò, nữ thần tượng gây xôn xao khi đăng tâm thư xin lỗi.

Tờ Hindustan Times ví lời xin lỗi của nữ thần tượng như một động thái xử lý khủng hoảng truyền thông và bảo toàn danh tiếng.

Dưới sự giám sát chặt chẽ của người hâm mộ, nếu những giới hạn tiếp tục bị phá vỡ bằng hình thức ra giá, nghệ sĩ sẽ trở thành một món hàng, không chỉ "bán" hình tượng mà còn phải hi sinh cả cuộc sống riêng tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn