MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ sĩ tham gia gameshow, truyền hình thực tế. Ảnh: Nhà sản xuất

Khi nhà sản xuất gameshow, nhà đài đẩy người chơi vào tâm bão dư luận

Anh Trang LDO | 11/10/2023 10:30

Dùng đủ chiêu bài gây thu hút cho gameshow, nhưng khi ồn ào xảy đến, nhà sản xuất cũng như nhà đài thường chọn cách im lặng, để mặc người chơi chịu búa rìu dư luận.

Nhà đài, nhà sản xuất tham gia khâu biên tập nội dung

Trong thời đại bùng nổ của gameshow hiện nay, các chương trình mọc lên như nấm sau mưa, trong đó vô số gameshow nhảm, đầy "sạn".

Ở vị trí của nhà sản xuất, để thu hút người xem, họ phải áp dụng đủ những chiêu trò "câu view" (lượt xem).

Nhiều gameshow có tính giải trí vượt quá giới hạn sẽ khiến người xem cảm thấy lố bịch, không chân thật hoặc quá drama (xung đột).

Hình ảnh của chương trình The New Mentor. Ảnh: Ban tổ chức

Chia sẻ với phóng viên Lao Động ngày 10.10, anh N.H.N (thành viên ê kíp sản xuất chương trình Vietnam's Next Top Model, The Face Vietnam) cho biết:  "Quy trình kiểm duyệt của một gameshow thông thường sẽ có những bước kiểm duyệt: Biên tập Nội dung - Trưởng ban biên tập - Phòng Truyền thông - Producer (sản xuất) - Giám đốc điều hành hoặc CEO (giám đốc công ty) sẽ là người cuối. Nếu phát sóng trên tivi thì biên tập của đài truyền hình sẽ kiểm duyệt nội dung".

Anh N cho biết thêm, các gameshow không có "công thức" thu hút người xem cụ thể, tuỳ vào tính chất của từng chương trình sẽ có kịch bản riêng.

Nhưng, hiện nay, mô tuýp đang được các nhà sản xuất ưa chuộng nhất là chia đội và huấn luyện thí sinh với các gameshow về người mẫu, hoa hậu như: Chúng tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, The Fitness Vietnam, The Face Vietnam, The New Mentor...

"Tranh đấu giữa các đội thi từ huấn luyện viên tới thí sinh, tranh cãi về kết quả sẽ thu hút được nhiều khán giả. Tuy nhiên, mọi yếu tố giải trí cần được kiểm soát chặt chẽ và không đi quá giới hạn như ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của Việt Nam, sẽ bị phản ứng", anh N.H.N nói.

Nhà sản xuất, nhà đài im lặng trước drama gameshow

Kịch bản, yếu tố giải trí khi đưa vào gameshow muốn thu hút người xem phải tạo ra được các chiều bình luận tranh cãi sau khi lên sóng.

Nhà sản xuất sẽ chọn lọc chi tiết bằng cách cắt ghép, dàn dựng để chương trình trở thành chủ đề bán tán, bình luận trên các phương tiện mạng xã hội.

Nhiều chương trình chủ động lập những hội nhóm trên mạng xã hội để người xem tham gia bình luận.

Những chi tiết của chương trình được nhà sản xuất hé lộ, "câu dẫn" dư luận và đánh vào tâm lý tò mò của khán giả.

Chương trình "The Face Vietnam" và "Vietnam's Next Top Model" là các gameshow có nhiều drama, khiến người xem quay lưng, rating (lượt xem cùng lúc) sụt giảm theo từng mùa.

Bà Trang Lê (Giám đốc Multi media Việt Nam) từng trả lời về vấn đề cố tình tạo drama với truyền thông. Bà phủ nhận chuyện tạo drama để thu hút người xem và cho rằng các chương trình do công ty sản xuất đều đề cao tính chuyên môn.

Giám đốc sản xuất chương trình The New Mentor - Dược sĩ Tiến cho rằng: "Drama của chương trình có chăng đến từ việc chúng tôi có các thí sinh quá mạnh. Khi thí sinh mạnh cùng thi đấu sẽ tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt, từ đó có drama".

Khi xảy ra tranh cãi, ồn ào, dư luận công kích và tẩy chay người chơi gameshow. Trong các tình huống đó, nhà sản xuất hay nhà đài thường chọn cách im lặng hoặc phớt lờ dư luận. Nhà sản xuất cũng như các kênh sóng không lên tiếng chịu trách nhiệm dù họ chính là người đã tham gia duyệt nội dung, bày ra các chiêu trò gây thu hút, tạo ra tranh cãi trong chương trình.

Động thái này càng đẩy những người tham gia gameshow vào "tâm bão".

Anh Công Hoàng - thanh niên Huế từng là nạn nhân khi phải hứng chịu búa rìu dư luận từ chương trình "Hành lý tình yêu", trong khi cả nhà đài và nhà sản xuất đều im lặng.

Một nạn nhân của gameshow là diễn viên Ốc Thanh Vân. Khi tham gia "Nhanh như chớp", Ốc Thanh Vân nhận vô vàn chỉ trích của khán giả. Họ cho rằng nữ diễn viên "làm lố" quá nhiều trong thời gian chơi.

Sau đó, Ốc Thanh Vân đăng bài chia sẻ dài trên trang cá nhân, thẳng thắn bày tỏ rằng cô không hài lòng với cách PR (truyền thông) của nhà sản xuất. "Nhanh như chớp cần xem lại cách đi bài PR của mình. Tuần nào cũng lôi một nghệ sĩ nào ra dìm họ để gây sự chú ý cho khán giả".

Nhiều nghệ sĩ e ngại tham gia gameshow, một phần họ sợ trở thành "quân cờ" trong tay các nhà sản xuất. Nhiều cuộc chia tay của nghệ sĩ với nhà sản xuất diễn ra trong im lặng, nhiều cuộc chia tay "rùm beng" như lời cảnh tỉnh cho những người đồng nghiệp đang sa đà bán hình ảnh ở gameshow.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn