MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phương Anh Đào và Diệu Nhi. Ảnh: Nhà sản xuất

Khi phim Diệu Nhi nhạt nhòa, phi lý bị Trấn Thành áp đảo

Thùy Trang LDO | 19/02/2024 06:15

Ở đường đua phim Tết, 2 phim Việt là "Gặp lại chị bầu" có Diệu Nhi đóng chính và "Mai" của Trấn Thành cho thấy sự cách biệt rõ rệt.

Nhiều ngày qua, "Mai" là bộ phim chiếm sóng cả ở rạp phim lẫn các nền tảng mạng xã hội. So với bộ phim Việt ra mắt cùng thời điểm là "Gặp lại chị bầu", phim của Trấn Thành vượt trội cả về doanh thu lẫn suất chiếu.

Đó là chưa kể 2 tác phẩm Việt khác là "Trà" và "Sáng đèn" đã rút khỏi rạp vì suất chiếu quá ít. Trên đường đua phim Tết, "Mai" được sắp xếp hơn 5.000 suất chiếu/ngày, gấp 4 lần "Gặp lại chị bầu".

Hiện tại, "Mai" đã vượt mốc 300 tỉ đồng doanh thu, còn phim của đạo diễn Nhất Trung thu 57 tỉ đồng.

Con số đó phần nào phản ánh chất lượng phim và thị hiếu của khán giả. Việc "Gặp lại chị bầu" lép vế, nhạt nhòa khi đụng độ "Mai" là dễ hiểu khi phim vẫn còn những hạn chế về nội dung, kịch bản.

“Gặp lại chị bầu” xếp thứ hai phòng vé Việt dịp Tết. Ảnh: Nhà sản xuất

Kịch bản không mới

"Gặp lại chị bầu" xoay quanh nhân vật Phúc (Anh Tú) vốn mồ côi, sống bơ vơ ở Sài Gòn. Sau một tai nạn, Phúc trở về quá khứ năm 1997 - thời điểm anh được sinh ra. Từ đây, Phúc có cuộc gặp gỡ định mệnh với nhóm bạn gồm Huyền (Diệu Nhi), Ngọc (Ngọc Phước), Tuấn (Quốc Khánh) và người chủ nhà tốt tính Mỹ Lệ (Lê Giang).

Việc bà chủ nhà Mỹ Lệ gặp Phúc lần đầu nhưng đã dễ dàng tin tưởng, bao bọc được cho là phi logic. Cách hành xử của các nhân vật phụ như Mạc Văn Khoa đóng cuớp nhưng ngây ngô, dễ bị lừa; hay Kiều Minh Tuấn tưng tửng, mặt dày bị đánh giá thiếu thực tế.

Mạch phim diễn biến rời rạc, sau khi Phúc xuyên không và phát hiện mẹ mình chính là Huyền, khán giả bị lôi ngược trở lại hiện tại quá nhanh và hầu như "chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra".

Ngoài ra, những tình tiết như Phúc phát hành bài hát tên "Chị mẹ", cùng nhóm bạn sản xuất MV của Đan Trường, tuyến tình cảm của Phúc và bạn gái chiếm thời lượng khá nhưng không đóng góp nhiều cho thông điệp phim.

Trong khi đó, những tình tiết quan trọng như cha của Phúc là ai, hay Tuấn và Ngọc ra sao trong tương lai chỉ được đặt ra mà không được giải quyết.

Diễn xuất chưa thuyết phục

Anh Tú thủ vai chính trong phim và là người duy nhất nói giọng miền Bắc. Tuy nhiên, anh bị chê diễn đơ, đài từ thiếu cảm xúc. Diễn biến tâm lý của nhân vật không rõ ràng, hay đập phá la hét vô cớ, tương tác với Huyền gượng gạo.

Trong khi đó, Diệu Nhi được đánh giá tiến bộ nhưng chỉ dừng ở mức tạm ổn. Nữ diễn viên thể hiện tốt ở những phân đoạn hài nhưng lại khá "đuối" khi bước vào những cảnh cần lột tả nội tâm biến động, giằng xé.

Lê Giang, Quốc Khánh, Ngọc Phước diễn tròn vai. Đạo diễn lồng ghép nhiều đoạn pha trò nhưng có lúc phản tác dụng, vì về cơ bản câu chuyện của Huyền lận đận, nhiều bi kịch.

Anh Tú gọi Diệu Nhi là chị mẹ trên phim. Ảnh: Facebook nhân vật

Nhiều "sạn"

Lấy thời điểm năm 1997, nhưng dàn diễn viên sử dụng một số câu thoại rất hiện đại, đậm chất gen Z. Bối cảnh phim cũng bị nhận xét không giống Sài Gòn những năm cuối thập niên 90.

MV "Đi về nơi xa" của Đan Trường, vốn ra mắt năm 1999, lại xuất hiện trong bối cảnh phim năm 1997. Khi Phúc ra mắt đĩa đơn "Chị mẹ", đĩa CD xuất hiện mọi nơi, trong khi một số khán giả cho rằng thời đó CD chưa phổ biến toàn quốc như vậy.

Nhân vật Phúc vốn được bà Mỹ Lệ nuôi nấng lúc nhỏ. Khi bà mất, Phúc trưởng thành trong khổ sở, bị xã hội bắt nạt, đày đọa. Anh trở nên bất cần, ngông nghênh, thành tên côn đồ nhưng hành trình này quá vội vã, nặng tính sắp đặt.

Sau đó, mọi mâu thuẫn giữa Phúc và mẹ ruột lại được giải quyết dễ dàng, chỉ bởi một câu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn