MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Blackpink và BTS là 2 nhóm nhạc thành công nhất trong lịch sử của Kpop. Ảnh: Vogue, Elle

Kpop còn lại gì nếu không có Blackpink và BTS

Huyền Chi LDO | 29/05/2023 06:48
Chỉ trong vài năm, Kpop đã đột phá và trở thành một hiện tượng văn hóa trên toàn cầu. Kỷ nguyên mới được mở ra nhờ sự tiên phong của Blackpink và BTS. 

Cái bóng quá lớn 

Bang Si Hyuk - người sáng lập Big Hit Music và tạo nên BTS, hiện là chủ tịch hội đồng quản trị HYPE từng khẳng định: "Nếu bạn hỏi về khả năng tạo ra một nghệ sĩ thứ hai như BTS thì câu trả lời là không. Tuy nhiên, nếu bạn hỏi liệu sẽ có thêm nghệ sĩ K-pop nào từ HYBE đứng đầu Billboard Hot 100 thì tôi sẽ trả lời có".

Theo Economist, trước COVID-19, ước tính mỗi năm BTS mang về 3,7 tỉ USD đóng góp cho nền kinh tế Hàn Quốc và thế giới. Họ là một trong những tên tuổi nghệ sĩ pop có giá trị cao nhất trong lịch sử. "Bất cứ nơi nào họ đến, BTS đều dát vàng lên quần áo, mỹ phẩm, du lịch và đồ ăn", tờ The Economist viết.

Trong suốt 10 năm hoạt động, BTS phá 28 kỉ lục Guinness thế giới. Khi nhóm ngừng hoạt động nhóm, tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới cảm thán: "Chúng tôi sẽ rất nhớ các bạn".

Với Blackpink, 4 cô gái đã có màn bứt phá ngoạn mục, để BTS không còn chiếm thế độc tôn ở Kpop. Nếu BTS "đánh chiếm" Billboard, Grammy và thị trường Mỹ, Blackpink cũng cho thấy sức ảnh hưởng khổng lồ ở lĩnh vực thời trang, khi đặt chân đến Met Gala, Liên hoan phim Cannes và trở thành đại sứ toàn cầu của nhiều thương hiệu xa xỉ. 

Nói về tương lai của Kpop tại Mỹ, Lee Hye-jin - trợ lí giáo sư truyền thông tại Đại học Nam California nhấn mạnh rằng, BTS và Blackpink là "nhân tố quyết định".

"Liệu tất cả các thành viên BTS có thể tái hợp vào năm 2025 hay không, và liệu cả bốn thành viên của nhóm nhạc nữ Kpop BlackPink có gia hạn hợp đồng với YG Entertainment để tiếp tục hoạt động nhóm hay không, là hai vấn đề lớn mang  tính quyết định về tương lai của Kpop ở Mỹ”, Lee Hye-jin nói.

Có thể nói, Blackpink và BTS đã mở ra một con đường đến nước Mỹ, nhưng chính sự xuất sắc của họ đang tạo ra áp lực cho toàn bộ ngành công nghiệp Kpop.

Blackpink đặt chân đến Mỹ và tẩu tán hơn 60.000 vé concert - cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nhóm dù các ca khúc hầu hết được viết bằng tiếng Hàn. Ảnh: YG Entertainment

Sự đứt gãy thế hệ

Không thể phủ nhận, sự thành công của Blackpink và BTS đã khiến công chúng nâng tiêu chuẩn lên rất cao đối với các nhóm nhạc thần tượng.

Nếu không là Blackpink và BTS, khó có nhóm nhạc nào có thể nối dài thành công của Kpop trên thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ.

Chuyên gia Lee Hye-jin khẳng định, Kpop có những fandom khổng lồ có thể tác động đến thành tích nhạc số, lượng bán album, nhưng các nhóm nhạc vẫn thiếu sự phổ biến chung. Đó là lí do Kpop chưa thể trở thành xu hướng chủ đạo ở Mỹ. 

Thế hệ 4 (gen 4) của Kpop dựa vào sức mạnh fandom và dường như khó tiếp cận nhóm khán giả đại chúng. 

TXT, Stray Kids, Treasure dễ dàng có được thành tích triệu bản bán album, đi lưu diễn khắp thế giới nhưng chật vật leo top trên các bảng xếp hạng nội địa.

Ngược lại, IVE, Le Sserafim, aespa hay Newjeans thay nhau chiếm lĩnh các vị trí đầu trên bảng xếp hạng Hàn Quốc nhưng chưa thể Mỹ tiến, khó có chỗ đứng ở mảng thời trang, làm đẹp như Blackpink.

Một hiện tượng khác là "Cupid" của Fifty Fifty đã có được hạng 19 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Tuy nhiên, nhóm khó có thể bật lên sau "phép màu" bởi công ty chủ quản vô danh, vướng nghi vấn đạo nhạc và bản thân nhóm chưa có nhiều yếu tố thu hút để tăng độ nhận diện với công chúng.

Mặt khác, chuyên gia Lee Hye-jin cho rằng Kpop cần thấy hiểu người hâm mộ quốc tế hơn. “Ở một quốc gia đa dạng về văn hóa như Mỹ, thế hệ trẻ thường mong đợi nghệ sĩ lên tiếng và tỏ thái độ trước những vấn đề xã hội từ nhân quyền đến các vấn đề môi trường.

Họ không giống như fan Hàn Quốc, những người chỉ muốn thần tượng tránh xa rắc rối. Tôi nghĩ rằng những khác biệt này nên được xem xét tỉ mỉ để Kpop nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế", cô chia sẻ.

Theo số liệu của công ty KPop Radar, khoảng 90% người nghe Kpop sống bên ngoài Hàn Quốc.

Trong khi đó, xuất khẩu Kpop đã đạt đỉnh trong những năm qua và có những dấu hiệu chững lại, theo nhà nghiên cứu Kim Jinwoo.

Các thống kê cho thấy hàng năm, trung bình có 100 nhóm nhạc ra mắt tại Hàn Quốc nhưng chưa đến 5% trong số đó có thể tồn tại. 

Nhà phê bình âm nhạc Kim Do-heon khẳng định, ngành công nghiệp Kpop đang thiếu cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lí để tiếp tục phát triển.

Các vấn đề đến từ cơ cấu quản lý không lành mạnh của một số công ty lớn, những định kiến cản trở tính độc đáo, sự sáng tạo của nghệ sĩ và xu hướng chạy theo lợi nhuận của những người đứng đầu.

Thậm chí, dân số Hàn Quốc giảm cũng là yếu tố khiến ngành công nghiệp này khó tìm được những tài năng mới trong nước.

BTS đã tạo ra những kỉ lục “vô tiền khoáng hậu” mà khó hậu bối nào có thể vượt qua. Ảnh: Big Hit

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn