MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô Vui bên chậu nòng nọc.

Cô giáo vùng cao và chuyện ăn nhái, nòng nọc...

Đình Giang LDO | 26/07/2013 07:33
Chuyện thiếu thốn, cơ cực mà các cô giáo vùng cao phải đối mặt thì vô cùng nhiều, khó có bút nào tả cho hết. Nhưng, chuyện các cô gian khổ đến nỗi phải dùng món thịt nhái, ễnh ương, nòng nọc… để chế biến món ăn (lại là món ăn hạng sang, món khoái khẩu bậc nhất) thì chúng tôi mới được biết.
>> Đón đọc ấn phẩm Lao động & đời sống số 15

Ẩm thực nhái, ễnh ương và nòng nọc…


Từ cửa khẩu biên giới Na Mèo tiếp giáp Lào- trên địa phận Thanh Hóa, chúng tôi mất hơn nửa ngày ngược hơn 20km đường khó đến với bản Mùa Xuân - một trong ba bản người Mông nằm khuất sâu giữa đại ngàn rừng núi xã Sơn Thuỷ, huyện Quan Sơn. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là căn nhà nhỏ lụp sụp nằm ở ven đường. Đó là nhà ở của các thầy cô cắm bản.

Thấy chúng tôi là những khách lạ đang ngơ ngác tìm kiếm, một thầy giáo với dáng người nhỏ thó, da ngăm đen lại gần hỏi “Các anh từ đâu tới?”. Khi chúng tôi giới thiệu là phóng viên, vào tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của đồng bào Mông, các thầy các cô xởi lởi hẳn. Thầy giáo có tên Hà Văn Xiệm mời đoàn chúng tôi ở lại ăn cơm. Trước thịnh tình của các thầy cô, kèm cái bụng đã “réo chuông” từ lâu, chúng tôi sao có thể từ chối.

Bản Mông nằm lẩn khuất nơi đại ngàn rừng núi.

Được biết, điểm trường Mùa Xuân thuộc Trường Tiểu học Xuân Thủy, có cả thảy 6 thầy cô (gồm 4 thầy dạy tiểu học và 2 cô lớp mầm non). Bữa cơm nhanh chóng được dọn ra, chưa rõ là món gì nhưng thơm nức, nóng hổi khiến mấy cái bụng đói thêm cồn cào. Đúng lúc, thầy Phạm Thế Tư – trưởng điểm trường lẻ cũng vừa đi dạy về tới nơi. Thầy giới thiệu: “Đây là món nhái, ễnh ương nấu mẻ - còn hơi bé nhưng ăn lại giòn, được cả đầu lẫn chân. Còn đây là món ve sầu chiên, hôm qua chúng tôi mới chăng lưới bắt được, và món rau bắp cải luộc hẳn là quen thuộc với đoàn rồi. Do không biết đoàn mình đến nên không có sự chuẩn bị trước. Chiều nay, các thầy không có tiết sẽ ra suối quăng chài đánh cá, các cô lên rừng hái hoa chuối, hái măng rừng… thì bữa cơm chiều sẽ khác”.

 Đĩa thịt nhái sau khi chế biến.

Viết ra điều này mong các thầy cô bỏ quá, chứ lúc đó, nghe giới thiệu rồi nhìn kỹ vào hai đĩa thịt nhái, ễnh ương, con to con nhỏ chân thẳng đơ, bụng trắng hếu, da sần sùi, chúng tôi đã phải cố gắng để nuốt, cốt để các thầy cô vui lòng. Hy vọng bữa chiều với cá suối, măng rừng mà thầy Tư hứa hẹn sẽ “xôm” hơn.
Nhưng, không như chúng tôi hình dung, những con cá mà các thầy vừa đi suối đem về thực ra là… nòng nọc vì “suối hôm nay không có cá, măng rừng cũng không kiếm đâu ra” - thầy Tư phân trần. Thầy Xiệm, thầy Quân, cô Vui, cô Hồng vào bếp. Với một thanh nứa nhỏ, thầy Xiệm thoăn thoắt bắt từng con nòng nọc, dùng que nứa cứa ngang qua bụng rồi gạt phăng đi phần ruột. Cô Hồng và cô Vui thì cặm cụi với nửa bao tải rau má vừa hái được hồi chiều… Rồi bữa cơm của sự mong đợi cũng được bày biện. Vẫn đó, món nhái ban trưa còn lại, món canh nòng nọc mà thầy Tư vắt sức cả nửa ngày mò bắt được bên suối,  món ve sầu chiên đen đen nâu nâu, còn lại là rau má. Nhìn bữa cơm mà các thầy cô dọn ra - khen là thịnh soạn, là sang, khiến chúng tôi không khỏi nhói lòng.

Bữa cơm chiều, vì là bữa “thịnh soạn”, nên các thầy cô mời thêm trưởng bản Sùng Văn Cấu và một số thanh niên trong bản, và nó đã trở thành một bữa “thịnh soạn” nhất mà chúng tôi từng trải qua - ở khía cạnh tình cảm ấm áp, sự chân thành và mến khách. Trưởng bản Cấu cho hay, Mùa Xuân có cả thảy 87 hộ, chủ yếu là người Mông, sống tự cung tự cấp là chính. Ở đây không có chợ búa, thoảng hoặc mới có người dưới xuôi mang hàng hoá, thực phẩm lên bán cho bà con… Đêm đó, cả chủ lẫn khách nằm chen chúc trên khu giường kép duỗi không hết chân trong ngôi nhà nhỏ, mới thấm thía cái cơ cực của thầy cô cắm bản vùng cao…

Nghiệp gieo chữ vùng biên giới

Đi dọc theo triền bản, trước mắt chúng tôi là những căn nhỏ thấp, xám xịt nằm quần tụ dọc hai bên con suối “mùa xuân” róc rách; xa xa, hút trong những phiến đá lớn nằm ven chân đồi chân núi, lại thấp thoáng hiện lên một vài căn nhà nhỏ thấp, với đôi ba bức phên dựng chắn ngang dọc… như điểm thêm “nét nghèo” chung của bản. Chắc hẳn, người dân bản đều đã lên nương, lên rẫy nên bên trong những ngôi nhà cũ kỹ ấy đều trống hoác, không một bóng người.
Các cô giáo trẻ ngồi chế biến món nhái, ễnh ương.

Quay trở lại với ngôi trường, nơi các thầy cô đang lên lớp, từ một vị trí xa, ngôi trường hiện lên trong mắt chúng tôi như một tòa biệt thự hạng sang duy nhất của bản, với sự xuất hiện của mái lợp blu ximăng kiên cố, có nhà vệ sinh xây cất bằng hồ vôi sáng lóa. Hiện tại, khu điểm lẻ thuộc Trường Tiểu học Sơn Thuỷ có hai cấp học, với 67 em từ lớp 1 đến lớp 5, và gần 20 em của lớp mầm non. Thầy giáo Sung Văn Vư, sau cái bắt tay thân tình, hồ hởi kể: Sinh ra và lớn lên ở bản, thầy hiểu rõ nỗi khổ cực của người dân bản, nhất là những ai muốn tìm đến với con chữ.  Ngôi trường trước đây chỉ là lều tranh, vách nứa, mỗi khi mưa gió là cả thầy lẫn trò tụ lại một góc để tránh dột. Bây giờ, được Nhà nước quan tâm cho cái “nhà vôi” kiên cố làm trường học nên các em cũng đỡ vất vả.

Tuy nhiên, theo thầy Vư: “Tình trạng đến lớp của các em đến nay vẫn không ổn định. Đường xa, điều kiện kinh tế khó khăn đã khiến không ít em dù ham học cũng phải từ bỏ. Đường đi học của các em vùng biên chỉ là những lối đi dọc ngang men theo những con suối, con khe, men theo núi, bất thình lình có thể lấy đi sinh mạng của các em bất cứ lúc nào, thì bậc cha mẹ nào chẳng lo. Rồi điều kiện kinh tế khó, ăn uống không đảm bảo, nhìn em nào cũng lem luốc, cũng hom hem như cái que. Mới chưa đầy 10 tuổi, tan học là phải ra suối bắt con cá, leo lên đồi hái cái măng phụ giúp bố mẹ… Ngày thường đến trường đã khó, ngày mưa gió thì chỉ một, hai em. Nhiều khi chúng tôi rơi nước mắt vì thương cho hoàn cảnh của các em”.

Các em học sinh đi bắt cá sau giờ học.

Đó là chưa kể chuyện các thầy cô bám bản như thầy Tư, thầy Xiệm, cô Vui, cô Hồng… cũng phải gù lưng chạy ăn từng bữa, không phải vì đồng lương giáo viên không đủ, mà chỉ đơn thuần có tiền cũng chẳng có gì để mua. Ngoài thời gian lên lớp, tối đến soạn giáo trình, thì bất cứ thời gian rảnh rỗi nào là các thầy cô lên rừng, xuống suối hái măng, bắt nhái, ễnh ương, ve sầu, trứng ác… về duy trì bữa ăn hằng ngày. Có những khi chẳng may bị rắn cắn, ngã bong gân… vì không có trạm y tế, các thầy cô cũng chỉ có thể khám trị theo biện pháp dân gian đầy rủi ro.

Tiếng kẻng báo hiệu giờ giải lao giữa buổi kết thúc, bịn rịn chia tay, chúng tôi buồn nhiều hơn vui, nhưng sẽ nhớ mãi bữa ăn thịnh soạn và ấm áp hiếm có của các thầy, các cô…

Gợi ý dành cho bạn