MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hanbin quê ở Yên Bái, là thành viên nhóm nhạc Hàn TEMPEST. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lý do ca sĩ thần tượng người Việt khó tồn tại ở Kpop

Huyền Chi LDO | 01/11/2023 08:35

Ngày càng nhiều bạn trẻ Việt trở thành thực tập sinh, tham gia các chương trình tuyển chọn thần tượng ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, trở thành idol Kpop không phải con đường trải đầy hoa hồng.

Thực tập sinh Việt chưa đột phá

Thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm một thực tập sinh được ra mắt tại Hàn Quốc. Đó là Đỗ Nam Sơn - chàng trai 16 tuổi sẽ hoạt động cùng nhóm PICKUS bước ra từ chương trình "Fanpick".

Màn ra mắt của Nam Sơn tiếp tục được khán giả Việt mong chờ. Trước đó, nhiều cái tên như Hanbin (Ngô Ngọc Hưng), Đặng Hồng Hải, Nguyễn Thành Công... đã để lại dấu ấn khi tham gia show tuyển chọn nhóm nhạc thần tượng tại Hàn Quốc.

Trong số đó, Hanbin được coi là thần tượng người Việt thành công nhất tại Hàn Quốc. Xuất phát là vũ công trong nhóm nhảy có tiếng ở Hà Nội, Hanbin tranh tài tại show "I-Land" do Big Hit - công ty quản lý BTS tổ chức.

Đã có thời điểm, Hanbin được đánh giá cao, có khả năng lọt đội hình thắng cuộc. Tuy nhiên, anh nhiều lần bị đối xử bất công, cắt thời lượng lên sóng và nhận không ít bình luận tiêu cực từ khán giả Hàn.

Sau khi dừng chân trước thềm chung kết, Hanbin bước ra từ cuộc thi và ra mắt cùng Tempest (công ty Yuehua quản lý). Hoạt động 2 năm, Tempest chưa có nhiều bài hát hay thành tích nổi bật so với những nhóm nam cùng thời.

Đi theo con đường của Hanbin, hai thực tập sinh Đặng Hồng Hải và Nguyễn Thành Công tham gia chương trình sống còn "Boys Planet 999". Có ngoại hình sáng, kĩ năng tốt, thứ hạng cao nhất cho 2 chàng trai chỉ là top 28.

Sau chương trình, Hồng Hải ở lại Hàn Quốc, chuyển từ công ty Fantagio sang Dongyo để tiếp tục ước mơ làm thần tượng. Nguyễn Thành Công về nước nhưng chưa có hoạt động nổi bật.

Nhìn lại những thực tập sinh Việt đầu tiên ra mắt ở Hàn, khán giả nhận xét họ không có ngoại hình hợp gu người Hàn, có nét khác biệt để cạnh tranh ở thị trường khắc nghiệt như Kpop.

Ví dụ, 2 thực tập sinh Queen (Lục Quyên) và Roy (Hoài Bảo) từng góp mặt trong dự án Z-POP Deam theo mô hình nhóm nhạc đa quốc tịch hay Trâm Anh ra mắt cùng Beauty Box đều không gây tiếng vang, nhanh chóng ngừng hoạt động.

Nhiều năm qua, Kpop đã mở ra cánh cửa cho những tài năng đến từ Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Về mảng phát hiện tài năng và "mài ngọc", Thái Lan là cái nôi của nhiều thần tượng Kpop đình đám như Lisa (Blackpink), Nickhun (2PM), Bambam (GOT7), Minnie ((G)I-DLE)...

Đặng Hồng Hải và Nguyễn Thành Công nhận được sự ủng hộ lớn của fan Việt. Thế nhưng, vào các vòng trong, họ không thể cạnh tranh với các thực tập sinh khác. Ảnh: X

Khó khăn chung của idol ngoại quốc

Mặc dù Kpop đã cởi mở hơn, song những thần tượng ngoại quốc vẫn có đãi ngộ kém hơn, chịu định kiến từ công chúng. Họ cần vượt qua rào cản ngôn ngữ và thích nghi với văn hóa của Hàn Quốc.

Đơn cử, Lisa có thể là thành viên đông fan nhất Blackpink nhưng ở Hàn Quốc, cô không được khán giả chào đón vì là người Thái Lan. Fan của Lisa nhiều lần chỉ trích công ty quản lý đối xử bất công, quảng bá hời hợt và không có động thái pháp lý khi Lisa bị miệt thị, phân biệt chủng tộc.

Ngoài ra, sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá cũng là trở ngại khi các thần tượng ngoại quốc tiếp cận công chúng. TWICE thừa nhận họ gặp khó khăn khi các thành viên nói 3 ngôn ngữ Hàn, Nhật, Trung.

Trong khi đó, thành viên Yuqi của (G)I-DLE gặp cú sốc ngôn ngữ và văn hóa khi từ Bắc Kinh (Trung Quốc) chuyển đến Hàn Quốc làm thực tập sinh.

Theo Korea Boo, các nhóm nhạc đa quốc tịch có thể đối mặt với các xung đột về văn hóa và chính trị.

Với những thực tập sinh nam, cơ hội được chú ý lại càng thấp bởi hiện công chúng Hàn chuộng nhóm nữ hơn. Nếu không phải từ nhóm nhạc từ công ty lớn như HYBE, SM, YG, JYP, họ sẽ ít được chú ý tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn