MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Địch Lệ Nhiệt Ba. Ảnh: Xinhua

Lý do Địch Lệ Nhiệt Ba chuyển mình thất bại

DƯƠNG HƯƠNG LDO | 07/06/2023 08:21

“Công tố" được khán giả kỳ vọng sẽ giúp Địch Lệ Nhiệt Ba bứt phá sau những bộ phim giải trí, ngôn tình đơn thuần. Tuy nhiên, nữ diễn viên đã có khởi đầu không mấy thuận lợi, bởi sự hạn chế trong khả năng diễn xuất, cũng như kịch bản phim.

Theo iFeng, “Công tố" là tác phẩm quan trọng đối với Địch Lệ Nhiệt Ba, đánh dấu sự chuyển mình của nữ diễn viên sang thể loại truyền hình chính kịch, sau nhiều năm đóng phim thần tượng, giải trí.

Là một trong những ngôi sao đông fan bậc nhất giới giải trí Hoa ngữ thời điểm hiện tại, khán giả cho rằng, đáng lẽ Nhiệt Ba có thể sẽ là nhân tố trọng yếu giúp bộ phim được chú ý. Nhưng “Công tố" lại có khởi đầu không suôn sẻ.

Sau 9 tập được chiếu trên đài Bắc Kinh, rating của “Công tố" tụt từ 0,44% xuống 0,28%, và rating chiếu đài Chiết Giang còn thấp hơn - 0,18%. Vì sao Địch Lệ Nhiệt Ba thất bại?

“Công tố" có cốt truyện kém hấp dẫn

Địch Lệ Nhiệt Ba thủ vai nữ công tố/kiểm sát viên An Ni, sau khi gia nhập Viện kiểm sát Giang Thành, đã hợp tác với Đội trưởng Đội điều tra hình sự Hà Lập Nguyên (Đồng Đại Vỹ) và thành công tìm ra chân tướng của nhiều vụ án về tội phạm mạng khó khăn.

Mặc dù quy tụ dàn diễn viên chất lượng, đề tài của phim cũng được đánh giá tốt, nhưng khi phim phát sóng, nhiều ý kiến chỉ ra, “Công tố" trình bày các vụ án chủ yếu qua lời kể/thoại, không có hiện trường thực tế, vì vậy không mang lại cảm giác chân thực, sống động. Điều này dễ khiến người xem bỏ dở phim ngay từ những tập đầu.

 Nội dung phim bị chê. Ảnh: Nhà sản xuất

iFeng đánh giá, điểm gây tranh cãi nữa là việc "Công tố" bị biên tập, cắt ghép cẩu thả sau khi qua kiểm duyệt. Nhiều phân đoạn chuyển cảnh vội vàng, cảnh trước bị cắt sang cảnh sau gây hoang mang. Một số đoạn lồng tiếng không khớp với khẩu hình miệng.

Từ tập 2 trở đi, toàn bộ cốt truyện, manh mối vụ án trở nên rất lộn xộn. Lượng lớn tình tiết phụ liên tục được đưa vào, nhưng việc kiểm soát tiết tấu phim không tốt, khiến cốt truyện chính càng ngày càng mơ hồ, khó hiểu và phức tạp.

Theo iFeng, quay một bộ phim truyền hình có ý nghĩa giáo dục pháp luật rất đáng được ghi nhận, nhưng nếu muốn làm ra tác phẩm chất lượng cao, cần phải nắm vững sự cân bằng giữa các vụ án thực tế và phim giải trí trên truyền hình để người xem không thấy nhàm chán.

Địch Lệ Nhiệt Ba thiếu đột phá

Không phải công tố viên không được trang điểm, song hầu hết khán giả đều cho rằng vẻ ngoài của Địch Lệ Nhiệt Ba “quá đẹp”. 

Dù cô đã cố tình trang điểm mờ nhạt khi lên phim, nhưng nhân vật An Ni vẫn phảng phất hình ảnh của một “ngôi sao thời trang” xinh đẹp, không phù hợp với khí chất của công tố viên.

So với hình ảnh giản dị, tự nhiên của các diễn viên phụ, Nhiệt Ba trông có phần phô trương.

 Nhiệt Ba bị chê không phù hợp hình tượng công tố viên. Ảnh: Nhà sản xuất

Là nữ chính đóng vai trò quan trọng nhất, song kỹ năng diễn xuất của Địch Lệ Nhiệt Ba gây nhiều tranh cãi. 

Trong một phân cảnh, An Ni tận mắt chứng kiến ​​đàn anh mà cô ngưỡng mộ, liều mạng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệt Ba thể hiện sự sững sờ, buồn bã bằng biểu cảm khoa trương và động tác lấy tay che mặt khóc.

Diễn xuất của cô bị so sánh với màn khóc thảm hoạ của Kim Hạn ở phim “Quân Cửu Linh".

Lời thoại của Địch Lệ Nhiệt Ba trong “Công tố" không bị coi là “rác" như nhiều tác phẩm của thế hệ diễn viên trẻ. An Ni trong phim có rất nhiều bài phát biểu chuyên nghiệp, Nhiệt Ba cũng thể hiện phát âm và tốc độ thoại rõ ràng. 

Tuy nhiên, đôi khi cô xử lý cứng nhắc, thiếu cảm giác tự nhiên và thoải mái. Nhiệt Ba lộ rõ điểm yếu khi đứng cạnh những diễn viên dày dạn kinh nghiệm như Phùng Lôi, Đồng Đại Vỹ.

Nhìn chung, Địch Lệ Nhiệt Ba diễn xuất không đến mức tệ, nhưng không có sức hút.

 Nhiệt Ba và Kim Hạn diễn cảnh khóc. Ảnh: Nhà sản xuất

iFeng nhận định, Nhiệt Ba hiện thuộc top đầu về danh tiếng trong lứa tiểu hoa thập niên 90, nhưng cô không có phim truyền hình bom tấn thủ vai chính, thậm chí không theo kịp thành tựu của một số gương mặt sao nữ lứa 1995-2000.

Vai diễn nổi bật nhất của Nhiệt Ba là nữ phụ Cao Văn trong “Người tình kim cương" (2015). Nữ viên viên được khen thể hiện ấn tượng tính cách sôi nổi và vẻ ngoài ngổ ngáo của nhân vật. Màn diễn xuất ăn ý của Nhiệt Ba - La Tấn đã khiến cặp đôi chính Đường Yên - Bi Rain lu mờ.

Bạch Phượng Cửu trong "Tam sinh tam thế thập lý đào hoa" (2017) cũng là một vai diễn tốt của Địch Lệ Nhiệt Ba. Tạo hình của nữ diễn viên trong phim này gây “sốt” vì quá hợp vai.

 Nhiệt Ba đóng vai hồ ly. Ảnh: Nhà sản xuất

Nhưng sau đó, Nhiệt Ba liên tục cho thấy sự trồi sụt về diễn xuất, dù cô vẫn là “nữ hoàng thảm đỏ" với chủ đề bàn tán cao. 

Khán giả hết lời khen ngợi nhan sắc Địch Lệ Nhiệt Ba. Tuy nhiên, chỉ là “nữ hoàng thảm đỏ" thì không thể trở thành một ngôi sao khó thay thế trong lòng công chúng. 

Khi bị phàn nàn về khả năng diễn xuất, những lợi thế ngoại hình, vóc dáng có thể trở thành “gót chân A-sin" của chính cô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn