MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mãnh tướng nhà Tần chết trong uất hận vì chiếu chỉ giả danh Tần Thủy Hoàng

Chí Long LDO | 13/07/2024 10:31

Bên cạnh đại hoàng tử Phù Tô, một vị mãnh tướng nhà Tần cũng bị hàm oan, chết trong uất hận sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời.

Phim tài liệu "Bí ẩn của những chiến binh đất nung" (Netflix, 2024) tái hiện lại bối cảnh năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng đi tuần du phía Đông, tới Sa Khâu thì ốm nặng.

Hoàng đế đã để lại di chiếu truyền ngôi cho Đại hoàng tử Phù Tô, giao cho thái giám thân cận Triệu Cao cất giữ.

Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên, trong tấm di thư của Tần Thủy Hoàng gửi cho Phù Tô có dặn: "Giao binh cho Mông Điềm, mau về lo việc tang, đưa về Hàm Dương để chôn".

Tuy vậy, sau khi Tần Thủy Hoàng mất, thừa tướng Lý Tư đồng lõa với Triệu Cao hủy di chiếu. Sau đó, cả hai làm ra di chiếu giả, lập hoàng tử Hồ Hợi lên ngôi.

Đồng thời, Triệu Cao và Lý Tư viết giả bức thư của Tần Thủy Hoàng gửi cho Phù Tô và Mông Điềm, rồi sai sứ lên Thượng Quận đưa cho hai người. Trong thư giả, Hoàng đế trách Phù Tô và Mông Điềm cầm quân ở biên giới khiến quân sĩ chịu nhiều tổn thất.

Hoàng đế trách Phù Tô là con bất hiếu, cấp cho kiếm để tự sát. Tướng quân Mông Điềm ở cùng không sửa chữa được sai lầm của Phù Tô, cũng phải chết.

Như vậy, Phù Tô và Mông Điềm - vốn được Tần Thủy Hoàng trọng dụng - sẽ là đối tượng đầu tiên mà những kẻ âm mưu chiếm ngai vàng tính kế giết hại.

Tạo hình Mông Điềm trong phim “Đế quốc đại Tần“. Ông là vị mãnh tướng được Tần Thủy Hoàng trọng dụng. Ảnh: Weibo

Theo "Sử ký", Mông Điềm là người có công mở mang bờ cõi phía bắc Trung Quốc và chỉ huy việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành thời Tần Thủy Hoàng.

Ông là cháu nội của Mông Ngao, con của Mông Vũ nước Tần thời Chiến Quốc. Gia đình Mông Điềm từng lập nhiều chiến công, tham gia vào trận chiến đánh dẹp các nước chư hầu Sơn Đông, giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc.

Năm 225 TCN, Mông Điềm làm phó soái cho đại tướng Lý Tín, kéo 20 vạn quân xâm lược Sở. Sau khi thua trận, Tần Thủy Hoàng phái Vương Tiễn làm chủ tướng, Mông Vũ làm phó soái, mang 60 vạn quân đánh Sở, nước Sở diệt vong.

Năm 221 TCN, Mông Điềm được phong làm tướng quân. Dưới thời Tần Thủy Hoàng, ông từng lập vô số chiến công.

Ngoài ra, ông còn chú trọng khai phá vùng biên ải, đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi. Dưới sự ủng hộ của Tần Thủy Hoàng, Mông Điềm chiêu tập nam đinh trong nước đi xây dựng 3 tuyến phòng thủ ở những nơi hiểm yếu dọc theo biên giới.

Trên cơ sở đó, Mông Điềm còn huy động sức dân trong nước xây dựng Trường Thành dọc theo biên giới phía đông, tạo nên Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng thế giới ngày nay.

Vài năm sau, nhân việc Tần Thủy Hoàng tàn bạo đốt sách chôn các nhà nho, con cả là Phù Tô can thẳng, liền bị vua Tần điều lên cùng Mông Điềm trông coi biên cương và giám sát xây Trường Thành.

Nhưng Phù Tô chính là đối tượng được Tần Thủy Hoàng lựa chọn lên ngôi Hoàng đế kế vị mình. Điều này khiến những kẻ làm giả di chiếu muốn tiêu diệt cả 2 càng sớm càng tốt.

Trở lại với bối cảnh sau khi nhận được di thư giả từ Hoàng đế, Phù Tô thấy có dấu ấn nên ngỡ là thư của Tần Thủy Hoàng thật, nghĩ mình phải tự sát. Mông Điềm nhận ra việc có khuất tất, bèn can ngăn. Sợ là có dối trá, ông yêu cầu Phù Tô tâu lại lần nữa rồi chết cũng chưa muộn.

Tuy nhiên, sứ giả của Hồ Hợi mấy lần giục, Phù Tô là người ngu trung nên đã tự sát. Mông Điềm vẫn nghi ngờ có sự giả dối nên không chịu chết, nhưng cũng không dám dấy binh khởi loạn. Sứ giả bèn hạ lệnh bắt ông giao cho thuộc lại mang về giam ở Dương Châu.

Theo "Sử ký", Hồ Hợi lên ngôi Tần Nhị Thế, nghe lời Triệu Cao giết hết anh chị em và các trung thần dưới thời Tần Thủy Hoàng, trong đó có Mông Nghị là em trai Mông Điềm.

Sau đó, Tân đế sai sứ mang chiếu và gươm tới ngục ở Dương Châu bắt Mông Điềm tự sát.

Năm 210 TCN, Mông Điềm - vị tướng anh dũng một thời buộc phải ra đi trong uất hận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn